"Là đô thị lớn nhất nước nhưng tất cả cửa ngõ TP HCM đều tắc nghẽn, nếu không cải thiện thành phố chắc chắn sẽ là đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, và có thể ở cả khu vực Đông Nam Á", đó là nhận định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về tình hình giao thông đáng báo động của TP HCM. 20 năm qua, tốc độ phát triển giao thông ở khu vực Đông Nam Bộ rất chậm, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực ngày càng chậm lại.
Cùng chung nỗi lo với những tồn tại trong giao thông của thành phố, độc giả Mars Nguyen cho rằng, nguyên nhân nằm ở việc thiếu kiểm soát phương tiện cá nhân: "Muốn hết tắc đường, trước hết chúng ta phải hạn chế được xe cá nhân, mà cụ thể ở đây là xe máy, và đồng thời phát triển các phương tiện công cộng. Vấn nạn xe máy đã tồn tại hàng chục năm qua, đi cùng với nhiều nhóm lợi ích, nhưng dường như chưa được làm quyết liệt.
Dù chúng ta có đầu tư hàng chục tỷ đôla cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng đường sá, trong khi vẫn không kiên quyết cấm xe máy, thì còn lâu mới hết tắc đường. Hãy nhìn sang Trung Quốc, họ mạnh dạn cấm hoàn toàn xe máy, ưu tiên phát triển đường sắt và xe buýt, hạn chế tối đa xe cá nhân, và thành quả thu được rất đáng giá. Đó mới là con đường đúng đắn mà chúng ta cần đi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hungho nhấn mạnh: "Xe máy đỗ trên vỉa hè tùm lum mà đường đã tắc, đến khi không còn đủ chỗ để xe nữa thì còn tắc đến mức nào? Chỉ có thể là xe công cộng mới là lời giải cho bài toán giao thông ở Việt Nam. Nếu đường nhỏ thì dùng xe buýt nhỏ. Chứ không thể vì xe máy tiện dụng mà để cho phát triển tràn lan. Nó chính là nguyên nhân gây nên tắc đường diện rộng. Nói chung, hạn chế xe cá nhân là cách làm tốt nhất.
Xe máy, ôtô cá nhân chỉ nên dành cho những người làm dịch vụ giao hàng, vận chuyển, còn lại nên để người dân sử dụng giao thông công cộng hết. Chúng ta cần xác định rõ định hướng như vậy thay vì cứ mãi loay hoay, tranh cãi, bàn lùi. Không làm bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ làm được.
Tôi nghĩ rằng, không thiếu gì cách để xe buýt hoạt động hiệu quả hơn, ví dụ như làm xe buýt nhỏ để đi vào đường nhỏ, vào hẻm; các tuyến xe buýt cũng nên đảm bảo đúng giờ và có liên kết với nhau tạo thành mạng lưới rộng khắp. Ngoài ra, cũng không nên cho các tuyến đi so le một đường và nên đảm bảo an ninh hơn nữa".
>> 'Chục năm tới khó cấm được xe máy'
Câu chuyện giao thông công cộng thời gian gần đây lại nóng hơn bao giờ hết khi vấn đề lời - lỗ của BRT, Metro bị đem ra mổ xẻ. Trước những bất cập, hạn chế còn tồn tại của phương tiện công cộng, ngày một xuất hiện nhiều hơn những ý kiến đòi dẹp bỏ những dự án này, lùi thời gian cấm xe máy, hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, đó liệu có phải một hướng đi đúng đắn cho giao thông tại Việt Nam?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net