Theo dõi những vấn đề mà nhiều người tranh luận về chuyện "giải cứu" xe buýt thời gian gần đây, tôi thấy có nhiều ý kiến trái chiều. Vấn đề là tại sao xe buýt ở Việt Nam hiện nay khiến nhiều người không muốn sử dụng? Bản thân tôi là người đi xe buýt nhiều năm (từ bé đã đi tàu điện, đến thời sinh viên lại đi xe buýt và giờ là cả xe buýt và tàu điện trên cao). Có thể nói, sử dụng phương tiện công cộng là một loại hình giao thông rất văn minh và thoải mái vì bạn sẽ không phải bận tâm tới chuyện lái xe, tắc đường, khói bụi...
Nhưng tôi cũng từng sử dụng dịch vụ giao thông công cộng ở nhiều nước và có những so sánh nhất định. Theo tôi, có nhiều vấn đề mà phương tiện công cộng khó được người Việt đón nhận:
1. Người đi bộ không được ưu tiên: Nói đến phương tiện công cộng thì vấn đề quan trọng nhất là việc người dân phải đi bộ. Nhưng hiện nay, người đi bộ ở Việt Nam hầu như không có bất cứ quyền lợi gì khi tham gia giao thông. Vỉa hè ở hầu hết mọi nơi đều bị chiếm dụng làm chỗ để ôtô, xe máy, kinh doanh và đôi khi là cả những công trình của thành phố như trạm điện, biển quảng cáo, trạm bán vé xe buýt... Nhiều tuyến phố rộng cũng không có đèn tín hiệu cho người đi bộ qua đường. Trong ngõ, hay khu đô thi văn minh, việc các phương tiện đỗ hẳn lại nhường đường cho người đi bộ là gần như không có (trong khi đây lại là điều binh thường ở nhiều nước).
2. Phương tiện cá nhân có chi phí sử dụng thấp: Chi phí sử dụng phương tiện cá nhân ở Việt Nam có thể nói là rất thấp so với nhiều nước. Ngoài chi phí xăng dầu, những khoản phí khác như bảo hiểm, phí gửi xe đều rất rẻ, hay phí sử dụng xe cá nhân trong thành phố thậm chí còn chưa có. Ở nhiều nước, giá xe có thể rất rẻ, nhưng phí sử dụng xe cá nhân lại rất đắt đỏ, nên nếu bạn không có thu nhập đủ tốt sẽ phải đắn đo rất nhiều khi chọn đi lại bằng xe cá nhân. Ngay cả việc để có được chỗ đậu xe trong nhiều thành phố lớn ở các nước, bạn cũng phải bỏ nhiều tiền mua quyền đỗ xe hay chỗ đậu xe. Nhiều công ty chỉ ưu tiên chỗ đỗ xe cho những người có chức vụ quan trọng trong.
3. Chất lượng xe buýt và thái độ phục vụ chưa tốt: Dù có nhiều cải thiện nhưng phải khẳng định là chất lượng xe buýt ở ta chưa tốt: nhiều xe rất sóc, nhiều thiết bị trên xe hỏng nhưng không được sửa chữa... Người già yếu, người tàn tật khi lên xe hầu như không có sự trợ giúp. Phụ xe và lái xe khi tham gia giao thông đôi khi còn chửi bậy, đánh nhau. Thử hỏi như vậy thì văn minh ở đâu?
>> 'Người Việt không thể mãi cố chấp với xe máy'
4. Thanh toán chưa đồng nhất: Ở nhiều nước, bạn có thể sử dụng chung một loại thẻ thanh toán duy nhất, hay một ứng dụng duy nhất cho tất cả các loại phương tiện công cộng. Trong khi ở Việt Nam, xe buýt có thẻ riêng, tàu điện có thẻ riêng và hiển nhiên đi xe khách liên tỉnh sẽ phải trả tiền mặt và không có vé. Bạn ở Hà Nội muốn đi vào TP HCM thì chắc chắn phải sử dụng tiền mặt nếu muốn đi xe buýt.
5. Điểm dừng và số lượng xe vừa thiếu lại vừa thừa: Các điểm đỗ, dừng xe buýt thường cách nhau khoảng 700-1.000 m như hiện nay theo tôi là khá thưa. Đối với loại hình BRT, MRT thì có thể như vậy là hợp lý vì chi phí cho các điểm dừng tốn kém, nhưng với xe buýt cần phải tính toán các điểm dừng chỉ nên cách nhau 400-500 m như vậy sẽ tiếp cận được nhiều người sử dụng hơn.
Khi còn bé tôi thường xuyên sử dụng tàu điện Hà Nội (tuyến Chợ Mơ - Chợ Đồng Xuân). Tàu đi khá chậm và đỗ dừng ở hầu hết mọi chỗ. Thậm chí bạn có thể lên và xuống tàu ngay khi tàu vẫn đang chạy. Có lẽ chính vì thế nên tàu thường rất đông, có chỗ ngồi là thứ gì đó rất xa xỉ. Có rất nhiều tầng lớp khác nhau đi tàu điện, từ công chức, học sinh, sinh viên, thậm chí cả những người bán hàng rong với những sọt hàng lớn cũng được mang lên tàu điện.
Tất nhiên mỗi thời mỗi khác, ngày nay việc có điểm dừng, đỗ mới có thể đảm bảo an toàn cho mọi người lên và xuống xe. Trong khi đó, tôi thấy có nhiều điểm dừng lại khá thừa thãi (như một số điểm đỗ trên quốc lộ) vì khá xa lối vào các khu dân cư, đôi khi là giữa cánh đồng.
Tóm lại, tôi rất ủng hộ việc hạn chế xe cá nhân bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phát triển giao thông công cộng cũng cần được đẩy nhanh. Để mọi người đón nhận xe buýt hay tàu điện, thành phố cần cải thiện ít nhất năm vấn đề nêu trên. Đó sẽ là cơ sở để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để tham gia giao thông công cộng.
Bao
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net