"Xe máy tiện lợi mấy cũng phải bỏ để phát triển Metro", ý kiến này mà nói với những người Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Nhật Bản, chắc họ sẽ bật cười. Các nước tôi vừa kể ở trên đều xây dựng hệ thống giao thông công cộng phát triển rất mạnh trước rồi, mới hạn chế các loại xe cá nhân (trừ xe đạp). Họ cũng không mảy may nghĩ đến khái niệm "cấm xe máy" vì biết năng lực giao thông của phương tiện này lớn đến thế nào?
Thậm chí, ở Malaysia, Đài Loan, người ta còn thiết kế giao thông cho xe máy rất khoa học. Hiếm thấy ùn tắc ở những nơi này do xe máy. Tôi đặc biệt ấn tượng với Malaysia, nơi người ta làm hẳn tuyến cao tốc song hành dành riêng cho xe máy, giúp họ không kẹt cứng cùng ôtô trên những tuyến đường cao tốc. Trong khi ở ta, hạ tầng cho xe máy dường như đang bị bỏ quên. Trên đường phố, tôi thấy có rất ít làn xe máy, chỉ có làn xe hỗn hợp và làn đỗ ôtô hỗn hợp xe đạp.
Tất nhiên, giao thông công cộng phải là ưu tiên số một, nhưng cũng không thể lấy lý do phát triển giao thông công cộng mà cho rằng "cứ bỏ hết sạch xe máy là thành công", đặc biệt với tình hình giao thông công cộng ở ta như hiện tại. Thậm chí, hạ tầng cho xe cá nhân vẫn phải phát triển để bù cho khoảng thiếu của giao thông công cộng. Khi phương tiện công cộng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, việc áp hạn chế cho các loại xe cơ giới cá nhân mới là hợp lý, và chúng ta sẽ lấy phí đó phát triển giao thông công cộng nói riêng và hạ tầng giao thông nói chung.
Nhìn vào thực tế quy hoạch của ta thì se rằng đến chục năm tới cũng khó mà cấm được xe máy. Vì như thế thì người dân ở ngõ ngách chắc phải bỏ phố về quê hết. Xe đạp thì năng lực vận hành kém, tốc độ chậm, không thể bắt người ta đạp xe hàng cây số dưới nắng nóng để ra ga tàu, metro, thậm chí trạm xe buýt (nếu sau này bố trí điểm gửi xe ở đây). Thế nên, xét một khía cạnh nào đó, xe máy vẫn là "cứu cánh" của giao thông.
>> Bài học kiếm lời từ Metro, BRT của người Nhật
Tôi cho rằng, cấm xe chưa bao giờ là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề giao thông, đặc biệt là phát triển giao thông công cộng. Không thể nói rằng cơm là bổ dưỡng nhất nên ta cấm mỳ ăn liền, trong khi nó rất tiện so với ăn cơm dù dinh dưỡng không bằng.
Ở ta, quy hoạch khá giống Đài Loan, vậy tại sao không học hỏi cách làm của họ? Ở Đài Loạn, tỷ lệ xe máy còn đông hơn cả Hà Nội, TP HCM, nhưng vấn đề là tỷ lệ xe máy lưu thông cùng lúc chỉ có 30%. Vì sao lại vậy? Vì giao thông công cộng của họ rất mạnh. Bên cạnh đó, họ cũng hạn chế ôtô và xe máy bằng thuế, phí hiệu quả và rất khoa học, chứ không phải cứ không quản được là lại cấm.
Ở nhiều nước phương Tây, thậm chí xe máy còn được đi chung làn riêng của xe buýt trên vài tuyến. Hạn chế xe máy là câu chuyện gần như chỉ có ở một số khu vực châu Á như Đài Loan, Singapore và thu được rất nhiều hiệu quả (tất nhiên phải đi kèm với hạn chế mạnh hơn ôtô cá nhân). Còn việc cấm xe máy, Trung Quốc đã làm và tạo ra sức mua khổng lồ xe đạp điện, tắc đường khủng khiếp và ô nhiễm không suy giảm nhiều. Myanmar cũng đã áp dụng ở Yangon và kết quả còn thảm hại hơn. Đó sẽ là những bài học nhãn tiền cho Việt Nam trong việc định hướng phát triển giao thông trong thời gian tới.
Nên nhớ rằng, các nước có giao thông công cộng phát triển đều không bắt nguồn từ việc cấm xe máy. Đây là hai vấn đề cần phải tách biệt rõ ràng. Việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ chỉ thu được hiệu quả khi hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được đủ nhu cầu của người dân và đủ sức thay thế được xe máy, ôtô. Còn nếu làm ngược, rất có thể chúng ta sẽ phải lãnh những hệ quả không mong muốn như bài học thất bại của một số nước trong khu vực.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net