"Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất, giới chức Triều Tiên bắt đầu nói trong các chiến dịch tuyên truyền rằng lãnh đạo Kim Jong-un là ứng cử viên hàng đầu cho giải Nobel vì Hòa bình", Washington Post ngày 26/2 đưa tin.
Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, giải Nobel Hòa bình trở thành đề tài bàn luận sôi nổi ở Triều Tiên. Một nguồn tin xác nhận cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền về chủ đề này ngay trước thềm hội nghị lần hai diễn ra tại Hà Nội nhằm thu hút sự chú ý của công chúng.
Ông Kim Myong-Chol, giám đốc trung tâm Mỹ - Triều vì Hòa bình và một quan chức Triều Tiên ở Nhật Bản giấu danh tính tin rằng Tổng thống Trump xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình nhưng "ngài Kim cũng sẽ không từ chối nhận giải thưởng này nếu nó được trao cho cả hai người".
"Đó sẽ là một vinh dự lớn và là chỉ dấu cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiến triển theo chiều hướng thuận lợi", chuyên gia nói.
Tại cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 15/2, khi được hỏi về kế hoạch hội nghị thượng đỉnh cuối tháng hai ở Việt Nam với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ nhắc đến bức thư dài 5 trang của Thủ tướng Nhật đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực đối thoại và giảm căng thẳng với Triều Tiên.
Tờ Asahi dẫn một nguồn tin trong chính phủ Nhật cho hay Washington đã đề nghị Thủ tướng Abe làm vậy sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6 năm ngoái. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật từ chối bình luận "về mối quan hệ qua lại giữa các lãnh đạo".
Sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên tiếng rằng Tổng thống Trump thừa điều kiện nhận giải Nobel Hòa bình vì "những đóng góp to lớn trong việc thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thông qua những cuộc đàm phán liên tục giữa Triều Tiên và Mỹ", theo phát ngôn viên Nhà Xanh.
Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập từ năm 1901. Giải được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. Mỗi giải thưởng gồm huy chương, bằng chứng nhận và một khoản tiền thưởng. Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và Nadia Murad, người phụ nữ từng bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục.
An Hồng