Viêm gan D là một loại viêm gan siêu vi ít phổ biến do virus viêm gan D (HDV) gây ra. Virus này chỉ có thể gây bệnh ở người bị nhiễm viêm gan B (HBV). Virus viêm gan D không thể tự nhân lên vì cần virus viêm gan B để hoàn thành vòng đời và tạo bản sao của chính nó. Khi ức chế HBV ở mức độ thấp, nó sử dụng các protein bề mặt của HBV để lắp ráp các bản sao mới của mình. Do đó, khi mắc bệnh, tổn thương gan xảy ra đều là kết quả của viêm gan D chứ không phải viêm gan B.
Viêm gan D gồm hai loại đồng nhiễm (nhiễm đồng thời virus viêm gan B và D) và bội nhiễm (bị nhiễm viêm gan B một thời gian rồi mới nhiễm viêm gan D). Viêm gan D có tỷ lệ tử vong khoảng 20%, có nguy cơ biến chứng cao thành xơ gan, suy gan và ung thư gan. Loại viêm gan này có thể gây nhiễm trùng cấp tính (ngắn hạn) và thường tự khỏi. Ở một số người, nhiễm trùng có thể kéo dài và trở thành mạn tính (dài hạn) gây tổn thương gan tiến triển.
Viêm gan D chủ yếu lây qua tiếp xúc với máu như dùng chung bơm kim tiêm. Các thiết bị y tế, dụng cụ tiếp xúc máu hoặc yếu tố đông máu không được khử trùng; các vật dụng chăm sóc cá nhân dùng chung (như dao cạo râu ở tiệm tóc) cũng là nguồn lây nhiễm.
Lây truyền viêm gan D qua đường tình dục có thể xảy ra nhưng không phổ biến và lây từ mẹ sang con thường rất hiếm. Viêm gan D không lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, đồ dùng chung, cho con bú, hôn, ho hoặc hắt hơi.
Các triệu chứng của viêm gan D khác nhau tùy theo giai đoạn nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính. Giai đoạn cấp tính phát triển ngay sau khi nhiễm trùng được thiết lập và có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Giai đoạn mạn tính có thể tồn tại trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Giai đoạn cấp tính: Phần lớn người bị nhiễm viêm gan D không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn này. Nếu hệ thống miễn dịch loại bỏ nhiễm trùng, bạn có thể không biết mình đã bị nhiễm bệnh. Nếu các triệu chứng phát triển rất khó phân biệt với các viêm gan siêu vi khác. Các triệu chứng phổ biến như: mệt mỏi, buồn nôn, sốt, cảm giác khó chịu, đau bụng phải trên, vàng da và mắt, nước tiểu đậm, phân màu đất sét.
Các triệu chứng cấp tính có xu hướng hết trong 2-4 tuần, riêng vàng da mất nhiều thời gian hơn để biến mất hoàn toàn. Trong số ít trường hợp, nhiễm trùng viêm gan D cấp tính có thể dẫn đến viêm gan tối cấp, có khả năng đe dọa tính mạng gây chết mô gan (hoại tử) và suy gan cấp tính. Các dấu hiệu của viêm gan tối cấp gồm vàng da, nôn mửa, sưng bụng, lú lẫn, run và hơi thở có mùi. Tình trạng này xảy ra ở 1% các trường hợp nhiễm viêm gan B cấp tính. Khi bị nhiễm viêm gan D, khả năng mắc viêm gan tối cấp tăng gấp 20 lần.
Giai đoạn mạn tính: Viêm gan D mạn tính xảy ra khi hệ thống miễn dịch không thể loại bỏ virus. Nhiễm trùng có thể không có dấu hiệu trong nhiều năm và thậm chí nhiều thập kỷ, gây tổn thương gan tiến triển âm thầm mà người bệnh có thể không nhận thấy.
Các dấu hiệu đầu tiên của viêm gan mạn tính thường liên quan đến sự khởi đầu của xơ gan, tình trạng tích tụ các mô sẹo làm suy yếu chức năng gan. Các triệu chứng có thể gồm: mệt mỏi, vàng da và mắt, dễ bầm tím và chảy máu, đỏ lòng bàn tay, giãn tĩnh mạch, lá lách to, cổ trướng, co giật cơ...
Viêm gan D gây xơ gan và suy gan cao hơn các loại viêm gan siêu vi khác, nhất là ở người bội nhiễm HDV. Người bị viêm gan D mạn tính có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp hai lần người chỉ nhiễm viêm gan B.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hiện không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho viêm gan D và viêm gan B cấp tính. Người bị viêm gan B mạn tính nên gặp bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp ngăn chặn sự nhân lên của virus, giảm thiểu rủi ro mắc viêm gan D. Thuốc kháng virus thường được dùng để điều trị HBV cũng dùng cho HDV nhưng thường ít có tác dụng đối với HDV. Một số thuốc được tiêm dưới cũng được dùng để giảm lượng virus viêm gan D trong máu.
Viêm gan D không thể chữa khỏi, cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan D là phòng viêm gan B bằng cách tiêm vaccine. Chăm sóc gan với các lối sống tốt góp phần hạn chế bệnh gan như tránh uống rượu, không hoặc bỏ hút thuốc lá, hạn chế chất béo bão hòa và đường, tránh ăn động vật có vỏ sống, ăn uống bổ dưỡng và lành mạnh. Một số thuốc có thể gây tổn thương gan, hỏi bác sĩ trước khi sử dụng. Tiêm vaccine viêm gan A có thể ngăn ngừa tác hại thêm cho gan, bảo vệ chống lại viêm gan phổ biến này tối đa 25 năm.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)