Tiểu đường là bệnh lý ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể, trong đó có răng, miệng. Mối liên hệ giữa tiểu đường và bệnh răng miệng là lượng đường trong máu. Khi mắc bệnh, lượng đường trong máu cao làm suy yếu tế bào bạch cầu. Các tế bào bạch cầu có chức năng bảo vệ răng, miệng trước các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.
Dưới đây là một số triệu chứng cảnh báo bệnh răng miệng ở bệnh nhân tiểu đường theo thông tin của Bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ).
Khô miệng: Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể làm giảm lượng nước bọt, dẫn đến khô miệng. Người bệnh có thể cảm thấy đau, nhức, loét, nhiễm trùng lợi, sâu răng.
Viêm lợi: Bên cạnh làm suy yếu các tế bào bạch cầu, bệnh tiểu đường khiến các mạch máu dày bất thường. Mạch máu dày làm chậm dòng chảy của chất dinh dưỡng, chất thải từ các mô cơ thể. Lúc này, cơ thể có thể mất khả năng chống nhiễm trùng.
Viêm nha chu: Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát có thể bị viêm nướu thường xuyên.
Khó lành vết thương: Sau phẫu thuật miệng hoặc thực hiện các thủ thuật nha khoa khác, vết thương trong miệng bệnh nhân tiểu đường thường khó lành.
Nấm miệng: Người bệnh tiểu đường thường xuyên uống thuốc kháng sinh phòng bệnh nhiễm trùng dễ bị nấm miệng và lưỡi. Nấm lưỡi phát triển mạnh vì lượng glucose cao trong nước bọt. Bệnh nhân đeo răng giả cũng có thể bị nấm lưỡi, miệng.
Bỏng lưỡi: Tình trạng này xảy ra do bệnh tưa miệng (bệnh nhiễm trùng miệng do nấm candida). Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tưa miệng, bệnh nha chu cao gấp 20 lần người bình thường.
Với những triệu chứng trên, người bệnh cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chú ý những dấu hiệu bất thường. Nếu không kiểm soát đường huyết, ngoài bệnh răng miệng, họ còn có thể đối mặt với biến chứng gây tổn thương mắt, tim, hệ thần kinh. Do đó, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp sau.
Kiểm soát lượng đường trong máu: Giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Khi đi khám răng, người bệnh cần thông tin với bác sĩ về tình trạng bệnh. Nhờ đó, bác sĩ có thể nắm được phản ứng insulin (hormone giúp hấp thụ đường) trong cơ thể, thời điểm đường huyết thấp...
Tìm sự tư vấn của bác sĩ: Trước khi điều trị bệnh răng miệng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại. Nếu thực hiện các thủ thuật về răng miệng, bác sĩ sẽ tư vấn kháng sinh cần dùng, chế độ ăn uống hoặc liều dùng insulin. Bệnh nhân cần mang các loại thuốc đang dùng khi thăm khám giúp bác sĩ kê đơn phù hợp. Trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng đang điều trị cần điều chỉnh liều lượng insulin.
Dùng chỉ nha khoa: Là biện pháp có thể giúp bảo vệ nướu. Mỗi người nên dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày sau bữa ăn.
Đánh răng: Chú ý dùng bàn chải lông mềm giúp loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám trên răng, phòng nguy cơ vi khuẩn tích tụ gây bệnh răng miệng. Nếu đeo răng giả, bệnh nhân phải lưu ý vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, dùng kem đánh răng chứa flour.
Người mắc bệnh tiểu đường điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, kiểm soát tốt lượng đường trong máu tránh các bệnh về răng miệng. Trường hợp mắc bệnh nặng hoặc không tuân thủ phác đồ điều trị, tình trạng nhiễm trùng răng miệng có thể kéo dài gây ảnh hưởng đến chân răng.
Minh Thúy
(Theo Cleveland Clinic)