Với người bệnh tiểu đường, theo dõi lượng đường trong máu giúp kiểm soát và quản lý bệnh tốt hơn. Lượng đường trong máu còn dễ bị tác động bởi một số yếu tố như chế độ ăn uống, dùng thuốc. Dưới đây là một số tác nhân có thể khiến đường huyết dễ tăng vọt.
Sau khi uống cà phê
Đường huyết của người bệnh tiểu đường có thể tăng lên sau khi uống cà phê (ngay cả khi uống cà phê đen không chứa calo) do chất caffeine. Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi bạn uống trà đen, trà xanh và nước tăng lực. Mỗi người bệnh tiểu đường phản ứng với thực phẩm và đồ uống khác nhau. Vì vậy, tốt nhất bạn nên theo dõi phản ứng của bản thân. Tuy nhiên, với những người khỏe mạnh, các hợp chất trong cà phê có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp hai.
Ăn thực phẩm chứa chất bột đường, chất béo
Dù thực phẩm không chứa hoặc chứa ít đường nhưng carbs từ tinh bột cũng khiến lượng đường trong máu tăng. Do đó, người bị tiểu đường nên kiểm tra tổng lượng carbohydrate trên nhãn thông tin dinh dưỡng sản phẩm trước khi sử dụng. Bạn cũng nên chú ý đến các loại đường có cồn như sorbitol, xylitol. Chúng tạo vị ngọt với ít carbs hơn đường sucrose nhưng vẫn đủ để tăng lượng đường huyết.
Thực phẩm giàu chất béo có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn duy trì lâu hơn. Điều này đúng đối với bánh pizza, khoai tây chiên và các loại thức ăn khác có nhiều carbs, chất béo. Một chiếc bánh mì tròn chứa nhiều carbohydrate, calo hơn cả một lát bánh mì. Vì vậy, nếu người tiểu đường thèm một chiếc bánh mì tròn thì nên chọn loại nhỏ và lưu ý theo dõi đường huyết sau khi dùng chúng. Khi sử dụng các thực phẩm có chứa chất bột đường, người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu khoảng 2 giờ sau khi ăn để biết thực phẩm ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào.
Trái cây khô
Trái cây là lựa chọn lành mạnh nhưng trái cây sấy khô đóng gói chứa nhiều carbohydrate hơn. Ví dụ chỉ cần hai thìa nho khô, nam việt quất khô hoặc anh đào khô là lượng carbs có thể tương đương một miếng trái cây nhỏ. Do đó, người bệnh đường dễ bị tăng đường huyết khi ăn trái cây sấy khô và cần tránh hoặc hạn chế tối đa.
Đồ uống thể thao
Đồ uống thể thao giúp bổ sung chất lỏng nhanh chóng nhưng một số trong đó có nhiều đường chẳng hạn như soda. Do đó, nước lọc là thức uống cần cho một buổi tập vừa phải dưới một giờ. Đồ uống thể thao có thể phù hợp để tập luyện lâu, cường độ cao hơn. Nhưng bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước để xem calo, carbs và khoáng chất trong chúng có an toàn cho bản thân hay không.
Công việc căng thẳng
Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Nó phổ biến hơn đối với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai. Do đó, bạn nên học cách thư giãn bằng cách hít thở sâu, tập thể dục, cố gắng thay đổi những điều đang khiến bạn căng thẳng nếu có thể.
Bị bệnh
Lượng đường trong máu thường tăng lên khi cơ thể hoạt động để chống lại bệnh tật. Khi bị bệnh, bạn nên uống nước và các chất lỏng khác để giữ đủ nước nếu có tiêu chảy hoặc nôn mửa. Nếu bạn bị bệnh trong hai ngày và không thuyên giảm thì nên thăm khám bác sĩ. Một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc kháng sinh, thuốc thông mũi xoang có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Dùng một số loại thuốc
Thuốc corticosteroid chẳng hạn như prednisone giúp điều trị phát ban, viêm khớp, hen suyễn và nhiều bệnh khác. Nhưng chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Thuốc lợi tiểu giúp điều trị huyết áp cao, thuốc thông mũi có pseudoephedrine hoặc phenylephrin cũng có thể gây ra tác động này. Một số thuốc chống trầm cảm cũng làm tăng hoặc giảm đường huyết... Các loại thuốc bổ sung estrogen có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý insulin. Tuy nhiên, thuốc tránh thai vẫn an toàn cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. Người bệnh tiểu đường nên hỏi ý kiến của dược sĩ về những tác dụng có thể có của thuốc không kê đơn trước khi mua.
Kim Uyên
(Theo Web MD)