Trước đó, bệnh nhân đi 4 bệnh viện, chọc hút ra khoảng 1-2 lít dịch mỗi tuần trong khoảng 6 tháng, làm nhiều xét nghiệm nhưng không phát hiện ra nguyên nhân tràn máu màng phổi.
Ngày 30/10, PGS.TS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết người bệnh nhập viện trong tình trạng tổn thương phổi, xương, gan, lá lách; thiếu máu, gầy, da tái nhợt, khó thở, tức ngực. Màng phổi trái bệnh nhân căng đầy dịch, bác sĩ hút ba lít dịch hồng, trong khi lượng dịch màng phổi ở người bình thường là 7-10 ml.
"Nếu cứ tiếp tục hút dịch, bệnh nhân suy kiệt, nhưng không hút gây xẹp phổi, suy hô hấp", Phó giáo sư Hiền cho biết.
Kết quả xét nghiệm cho thấy dịch màng phổi chứa nhiều lipid, chất có trong dịch bạch huyết. Toàn bộ ống ngực giãn to, ngoằn ngoèo. Bác sĩ kết luận bệnh nhân dị dạng mạch bạch huyết ở đa cơ quan như xương, gan, lá lách. Khối dị dạng mạch bạch huyết vùng ngực vỡ ra gây tràn dịch và máu vào màng phổi trái, khiến người bệnh mất máu, chất dinh dưỡng.
"U mạch bạch huyết hiếm gặp, trong đó u mạch bạch huyết xâm lấn xương lại càng hiếm", Phó giáo sư Hiền nói, thêm rằng cho đến nay nghiên cứu năm 2022 của Trung Quốc đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ là nghiên cứu duy nhất hồi cứu được 39 bệnh nhân dị dạng mạch huyết xâm lấn xương, còn lại chỉ là các báo cáo lẻ tẻ một vài ca. Bệnh rất hiếm và không có thống kê tổng hợp cụ thể. Do đó, bệnh ít khi được quan tâm tới, bác sĩ dễ bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm.
Ê kíp nút hệ thống ống ngực để bít lại điểm rò rỉ. Robot artis pheno chụp toàn bộ hệ thống bạch huyết, phát hiện điểm rò ở ngang mức rốn phổi trái. Phó giáo sư Hiền bít điểm rò bằng vòng xoắn kim loại (coils) và keo sinh học. Bác sĩ đánh giá đây là kỹ thuật khó vì chọc trực tiếp qua vùng thượng vị, ống bạch huyết siêu nhỏ với đường kính khoảng 1,5-2 mm, khó tìm để bít tắc, đòi hỏi bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Sau một giờ can thiệp, bác sĩ bít tắc điểm rò thành công. Sau một ngày, dịch màng phổi giảm mạnh, bằng 10% so với trước can thiệp. Người bệnh dễ thở, ăn uống tốt, hết dịch màng phổi sau 5 ngày, được xuất viện.
Dị dạng mạch bạch huyết thông thường vô hại, gần như không có triệu chứng nên khó nhận biết. Đa số trường hợp phát hiện khi gặp chấn thương hoặc trải qua phẫu thuật khiến u vỡ ra gây tràn dịch vào các khoang màng phổi, màng bụng, màng ngoài tim. Một số trường hợp vô tình phát hiện gan to, lách to, gãy xương tự phát...
Theo Phó giáo sư Hiền, thông thường, khi u mạch bạch huyết vỡ, bác sĩ chụp cộng hưởng từ tìm điểm rò rỉ, nhưng cách này mất nhiều thời gian, chi phí cao. Hiện, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chụp hệ bạch mạch bằng cắt lớp vi tính, giúp phát hiện chính xác vị trí lỗ rò bạch mạch. Kỹ thuật chẩn đoán nhanh, chi phí rẻ hơn so với chụp cộng hưởng từ.
U mạch bạch huyết là bệnh nan y vì không có thuốc điều trị đặc hiệu. Một trong những biến chứng của bệnh là rò mạch bạch huyết, lúc này người bệnh nên can thiệp điện quang. Nhờ hỗ trợ từ máy móc, bác sĩ có thể tìm, bít tắc điểm rò chính xác, không gây đau hay mất máu, hồi phục nhanh.
Hoài Phạm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |