TTƯT.PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, tràn dịch màng phổi là một trong số bệnh lý nội khoa thường gặp trong thực hành lâm sàng. Theo kết quả nghiên cứu ở Mỹ, mỗi năm có 1,5 triệu người mắc bệnh. Các nguyên nhân dẫn đến tràn dịch ở phổi như: suy tim sung huyết chiếm 500.000 trường hợp, viêm phổi chiếm 300.000 trường hợp, thai nghén 200.000 trường hợp, tắc mạch phổi 150.000 trường hợp, xơ gan cổ trướng 50.000 trường hợp.
Ở các nước công nghiệp, người ta ước tính mỗi năm có 32/100.000 trường hợp mắc bệnh, nguyên nhân chủ yếu là do suy tim, các bệnh lý ác tính, viêm phổi hoặc tắc mạch phổi. Xấp xỉ 72% trường hợp bệnh nhân suy tim phát hiện có dịch trong phổi sau mổ tử thi, tràn dịch do viêm phổi chiếm từ 36-66% trường hợp bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện.
PGS Chu Thị Hạnh giải thích: Mỗi lá phổi trong lồng ngực được bao quanh bởi hai lớp màng rất mỏng, gọi là màng phổi. Giữa hai lớp màng này tạo thành một khoang ảo - gọi là khoang màng phổi. Bình thường khoang chỉ chứa một lượng nhỏ chất lỏng vài ml giúp cho bề mặt phổi được trơn láng khi cọ xát vào nhau trong quá trình hô hấp, giúp cho phổi được giãn nở tốt hơn trong mỗi nhịp thở.
Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ bất thường của chất lỏng trong khoang màng phổi. Bình thường lượng dịch trong khoang màng phổi chỉ có khoảng 10-20ml. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch trong màng phổi nhiều hơn mức bình thường. Dấu hiệu chính có thể khiến bạn bị tức ngực, khó thở. Tràn dịch màng phổi là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau gây nên, và phân thành 2 loại chủ yếu: Tràn dịch màng phổi dịch thấm (thường do suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng, xơ gan...), tràn dịch màng phổi dịch tiết (do lao, ung thư, nhiễm khuẩn...).
Những người dễ mắc bệnh tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là bệnh lý về phổi, do đó, đối tượng dễ mắc bệnh tràn dịch màng phổi thường có bệnh lý ở phổi. Ngoài ra, những người có bệnh nền như tim, gan, thận cũng có thể gây tràn dịch màng phổi. Cụ thể, những người dễ mắc bệnh tràn dịch màng phổi gồm:
Người có bệnh lý về phổi như ung thư phổi; xẹp phổi; viêm phổi; thuyên tắc phổi (tắc động mạch phổi); lao phổi; di căn ung thư từ một cơ quan khác đến màng phổi.
Ngoài ra, những người có bệnh lý về tim, mạch như: suy tim; viêm màng ngoài tim co thắt; phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành; người bị suy giảm chức năng, suy giảm miễn dịch thận hư, suy thận; xơ gan cổ trướng; suy giáp, viêm khớp; nhiễm HIV; bệnh lý hệ thống; ký sinh trùng cũng dễ mắc bệnh.
Nguyên nhân và triệu chứng
Ở Việt Nam, nguyên nhân gây bệnh tràn dịch màng phổi phổ biến gồm:
Lao màng phổi: Đối tượng thường gặp ở người trẻ tuổi khỏe mạnh, có thể có cả lao phổi (ho lao) kèm theo.
Ung thư phổi: có thể gây tràn dịch do tế bào ung thư xâm lấn vào màng phổi, hoặc do bít tắc lưu thông của dịch màng phổi. Đôi khi là do tế bào ung thư từ nơi khác di căn vào màng phổi.
Suy tim: xuất hiện ở người bệnh đã có bệnh lý tim mạch trước đây. Tim bị suy không thể bơm tống máu hết, gây ứ máu lại trong phổi, làm cho dịch thoát khỏi mạch máu vào khoang màng phổi.
Viêm phổi: Phổi bị nhiễm trùng lan ra màng phổi hoặc vị trí phổi tổn thương gần sát màng phổi, gây kích thích màng phổi tăng tiết dịch. Bệnh nhân cần được điều trị đúng, kịp thời, tránh tạo thành ổ mủ, dày dính màng phổi, hạn chế hô hấp thông khí.
Suy thận mạn, xơ gan cổ trướng...
Ký sinh trùng
Do các bệnh hệ thống (Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp...)
Tràn dịch màng phổi cũng có thể xảy ra khi các tế bào ung thư di căn đến màng phổi, gây tắc nghẽn ở mạch phổi, hoặc tích tụ do kết quả của một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như xạ trị hoặc hóa trị.
Một số bệnh ung thư có nguy cơ gây tràn dịch phổi bao gồm: ung thư phổi; ung thư vú; ung thư buồng trứng; ung thư cổ tử cung.
Theo PGS Chu Thị Hạnh Tùy, thuộc vào nguyên nhân, mức độ tràn dịch màng phổi mà người bệnh có thể có các biểu hiện rất khác nhau. Các triệu chứng phổ biến có thể gặp: khó thở khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động gắng sức; đau hoặc tức ngực, đau tăng khi hít thở sâu, khi nói to hoặc cảm giác không thể hít thở sâu; ho khan hoặc ho có đờm; sốt có hoặc không kèm theo rét run; mệt mỏi, ăn uống kém; phù chân đối với người tràn dịch màng phổi do suy tim, suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng...
Biến chứng nguy hiểm của bệnh
Hầu hết người bệnh tham gia trị liệu sẽ hồi phục trong vòng vài tuần hoặc vài tháng tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp tràn dịch màng phổi có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, nguyên nhân và phương pháp điều trị được áp dụng khác nhau.
Các biến chứng nghiêm trọng do tràn dịch có thể bao gồm: dày dính màng phổi gây hạn chế hô hấp, biến dạng lồng ngực; xẹp phổi; suy hô hấp, chèn ép tim.
Các biến chứng do các thủ thuật chẩn đoán và điều trị gây ra: tràn khí màng phổi; nhiễm trùng; chảy máu màng phổi.
Các biến chứng này có thể diễn tiến theo chiều hướng xấu và nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất và trao đổi với người bệnh về những lợi ích và rủi ro của quá trình điều trị. Do đó, để phòng biến chứng, người bệnh cần được khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa hô hấp.
Phương pháp chẩn đoán và tìm căn nguyên
Khi có dấu hiệu phổi ứ nước, để xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành:
Chụp X-quang ngực: Sẽ thấy hình mờ đậm một hoặc cả hai bên phổi, dịch thường ở dưới thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp tràn dịch khu trú lượng ít có thể khó phát hiện hiện tượng tràn dịch màng phổi trên phim X-quang.
Chụp cắt lớp vi tính ngực: Phương pháp chẩn đoán này cho hình ảnh chi tiết hơn về mức độ, vị trí tràn dịch cũng như có thể định hướng nguyên nhân khiến phổi bị tràn dịch.
Siêu âm màng phổi: Một trong những phương pháp thăm dò đơn giản dễ thực hiện, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Siêu âm màng phổi có thể giúp thể phát hiện được tràn dịch màng phổi khi trong khoang này chỉ có khoảng vài chục ml dịch. Ngoài ra, trong trường hợp tràn dịch màng phổi ác tính, siêu âm màng phổi giúp phát hiện tràn dịch màng phổi và các khối u trong bụng di căn.
Chọc hút dịch màng phổi: Đây là một thủ thuật đơn giản và tương đối an toàn thường được thực hiện dưới hướng dẫn của hệ thống siêu âm màng phổi. Tùy theo nguyên nhân và diễn biến bệnh nên dịch màng phổi sẽ có màu sắc khác nhau (trong, vàng chanh, vàng đục, mủ, nâu, đỏ, trắng đục như sữa...). Dịch được lấy ra sẽ làm xét nghiệm sinh hóa, soi, nuôi cấy tìm vi khuẩn, xét nghiệm tế bào. Xét nghiệm sẽ giúp xác định tràn dịch màng phổi dịch thấm hay dịch tiết; vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh; lành tính hay ác tính.
Nội soi màng phổi có sinh thiết: Áp dụng đối với những bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi dịch tiết chưa rõ nguyên nhân khi các thăm dò nội khoa khác không có kết quả. Lúc này, bệnh nhân sẽ được gây mê, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên ngực của bạn giữa hai xương sườn. Dịch được rút bớt ra, sau đó đưa vào khoang màng phổi một ống nội soi có camera để kiểm tra, quan sát màng phổi và đánh giá những tổn thương của màng phổi. Sau đó, bác sĩ dùng kìm sinh thiết để tiến hành sinh thiết (cắt) mô màng phổi để làm xét nghiệm mô bệnh học giúp chẩn đoán nguyên nhân.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn làm các xét nghiệm khác để củng cố cơ sở chẩn đoán: xét nghiệm công thức máu, máu lắng, xét nghiệm sinh hóa máu, điện tâm đồ, siêu âm tim...
Phương pháp điều trị
Để điều trị tràn dịch màng phổi, các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra tình trạng ứ nước trong khoang màng phổi, từ đó có chiến lược điều trị phù hợp.
Chọc hút dịch màng phổi: là phương pháp điều trị phổ biến hiện nay, phương pháp này giúp đào thải bớt lượng dịch, làm cho bệnh nhân dễ thở hơn.
Dẫn lưu màng phổi: Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị tràn mủ, tràn máu màng phổi, tràn dịch kèm tràn khí màng phổi. Một dụng cụ hình ống đặc biệt (ống dẫn lưu) thông thường bằng silicon được đặt xuyên qua da vào khoang màng phổi và được nối với một hệ thống hút áp lực âm để dẫn lưu mủ, máu ra ngoài.
Điều trị nội khoa: Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định biện pháp điều trị nội khoa phù hợp:
Nếu do nhiễm khuẩn (viêm mủ màng phổi) sẽ sử dụng kháng sinh; ddo lao sẽ điều trị thuốc kháng lao; nếu do bệnh ung thư sẽ điều trị hóa chất, có thể gây dính màng phổi để tránh dịch tái phát nhanh.
Điều trị hỗ trợ: Chống suy hô hấp: chọc tháo dịch, thở oxy qua ống thông mũi; giảm đau, hạ sốt bằng paracetamol; nghỉ ngơi tại giường; ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu, đủ năng lượng và dinh dưỡng; cần tập vật lý trị liệu hô hấp theo chỉ định của bác sĩ; cách phòng tránh tràn dịch màng phổi.
Tràn dịch màng phổi là biểu hiện hoặc biến chứng của rất nhiều loại bệnh liên quan đến phổi khác nhau như viêm phổi, u ác tính hoặc ung thư phổi. Một số bệnh khác có thể kể đến là áp-xe dưới cơ hoành, áp-xe gan, xơ gan cổ trướng, suy thận, suy tim... cũng có thể khiến phổi bị tràn dịch. Do đó cần phát hiện sớm các bệnh có thể là nguyên nhân gây tràn dịch và điều trị hiệu quả.
Bên cạnh đó, một số biện pháp có thể giúp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh như:
Hạn chế làm việc, sinh hoạt ở nơi có môi trường ô nhiễm, cải thiện môi trường sống.
Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, tránh các thực phẩm sống chưa qua chế biến nhiệt.
Cách ly, giữ khoảng cách an toàn hoặc dùng thuốc dự phòng khi tiếp xúc với bệnh nhân bị lao.
Giữ vệ sinh răng miệng và vòm họng hàng ngày, điều trị triệt để viêm nhiễm đường hô hấp trên phòng tránh viêm nhiễm ở phổi.
Bỏ thuốc hoặc hạn chế tiếp xúc với môi trường có người hút thuốc.
Cách chăm sóc người bệnh
Tình trạng phổi bị tràn dịch chiếm tỷ lệ khá cao so với các bệnh đường hô hấp. Bệnh được điều trị nội khoa nhiều lúc không hiệu quả, để lại nhiều biến chứng và di chứng, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và đe dọa sức khỏe, tính mạng người bệnh. Thời gian để phục hồi bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của tràn dịch cũng như sức khỏe tổng thể của người bệnh. Người bệnh sẽ bắt đầu quá trình hồi phục trong bệnh viện. Người bệnh cần được chăm sóc và theo dõi liên tục sau khi về nhà. Nhiều người cho biết họ cảm thấy mệt mỏi trong tuần đầu tiên sau khi xuất viện.
Chăm sóc tại bệnh viện; theo dõi biểu hiện suy hô hấp cấp: khó thở dữ dội, tím tái, kích thích vật vã: cho bệnh nhân thở oxy nếu cần thiết; chọc tháo dịch màng phổi; cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau; hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu, tập ho; làm sạch đường hô hấp cho người bệnh để chống xẹp phổi, viêm phổi; nhẹ nhàng khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế cho người bệnh, đặc biệt đối với bệnh nhân có đặt ống dẫn lưu; trấn an tinh thần người bệnh, giảm lo lắng bệnh tật.
Chăm sóc người bệnh khi về nhà: vết mổ can thiệp điều trị tràn dịch màng phổi (đặt dẫn lưu, nội soi màng phổi...) phải có thời gian phục hồi trong vòng 2 - 4 tuần. Do đó, quá trình chăm sóc bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi rất quan trọng.
Người nhà đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao 20 - 40 độ, nên để người bệnh nằm nghiêng về phía tràn dịch; tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân không phải gắng sức bằng cách để các đồ dùng ở vị trí trong tầm tay của bệnh nhân; tiếp tục tập thở, tập vật lý trị liệu; chế độ ăn cho bệnh nhân phải giàu protein, giàu vitamin, tăng cường hoa quả tươi.
Lê Nguyễn