Khớp gối sưng bất thường vào buổi sáng, khó duỗi thẳng hoặc gập chân, đau, nóng đỏ ở gối và khu vực xung quanh xương bánh chè (phần xương nhỏ ở trước khớp gối)... cảnh báo tràn dịch khớp gối. Đây là tình trạng khớp gối tiết ra quá nhiều dịch và tràn vào các mô xung quanh khớp.
ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết bên trong khớp gối thường có một lượng dịch nhất định để bôi trơn khớp. Bệnh viêm xương khớp như viêm khớp dạng thấp, gout, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến... hoặc nhiễm trùng, khối u, chấn thương đầu gối do té ngã, va chạm thể thao làm tăng sinh dịch ở màng bao khớp, dẫn đến tràn dịch khớp gối.

Tràn dịch khớp gối gây sưng đau, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Ảnh: Freepik
Để điều trị dứt điểm, cần xác định đúng nguyên nhân. Điều trị bằng thuốc thường được chỉ định cho những trường hợp nhẹ, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm corticosteroid đường uống hoặc tiêm.
Các phương pháp điều trị xâm lấn gồm chọc hút dịch và phẫu thuật. Với tràn dịch khớp gối ở thể nặng, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút dịch khớp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng tạm thời làm giảm nhẹ các triệu chứng sưng đau, khó chịu cho người bệnh. Chọc hút có thể được kết hợp với tiêm corticoid, kháng sinh để kháng viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Duy, tràn dịch khớp gối có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này và điều trị thích hợp, dịch khớp sau khi hút ra được đưa đi xét nghiệm.
Trường hợp tổn thương khớp quá nặng, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt màng hoạt dịch hoặc thay khớp. Sau điều trị, người bệnh nên tái khám định kỳ và tập vật lý trị liệu để tái tạo lại sụn khớp, trả lại độ đàn hồi bình thường cho khớp gối.

Bác sĩ Duy tư vấn sức khỏe cơ xương khớp cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Duy lưu ý bên cạnh tuân thủ chỉ định điều trị, người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều, tránh đi lại để giảm áp lực và tác động lên gối. Kê chân lên cao giúp tuần hoàn máu chi dưới diễn ra thuận lợi hơn và giảm sưng phù. Chườm lạnh là phương pháp hiệu quả giúp giảm sưng đau nhanh chóng, do nhiệt độ thấp từ túi chườm có tác dụng làm co mạch máu.
Chế độ dinh dưỡng cũng hỗ trợ kiểm soát tình trạng tràn dịch khớp gối. Người bệnh nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega 3 như cá hồi, cá thu, cá béo góp phần ngăn chặn viêm. Vitamin A, C và K có trong các loại rau củ hỗ trợ bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do. Sữa và các chế phẩm từ sữa có hàm lượng canxi cao tăng cường sức khỏe của xương. Người bệnh cần hạn chế thực phẩm nhiều đường, nhiều muối, thức ăn nhanh, rượu bia và các chất kích thích.
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nặng có thể xuất hiện mủ trong dịch, nhiễm trùng..., phá hủy sụn hoặc mô xương ảnh hưởng đến chức năng của khớp gối sau này. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện dấu hiệu cảnh báo tràn dịch khớp.
Phi Hồng