"Có vẻ mọi thứ họ cần chỉ là một phòng họp với bàn và ghế ngồi. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa điều đó. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đòi hỏi hai bên phải thống nhất đến từng chi tiết rất nhỏ, thường là thông qua những cuộc đàm phán ngoại giao rất căng thẳng và phức tạp", cây bút Motoko Rich viết trên New York Times về hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore cách đây gần một năm.
Công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore được tiến hành từ lâu trước khi nó diễn ra vào ngày 12/6/2018, thậm chí vẫn được duy trì ngay cả khi Trump tuyên bố hủy họp trước đó vài tuần.
Hai bên đã thảo luận về mọi chi tiết liên quan như nơi tổ chức họp, vị trí ngồi ở hai bên bàn của Trump và Kim, ai sẽ được vào phòng họp cùng họ, số lượng bữa ăn và thời gian nghỉ giải lao, những món quà nào sẽ được trao và ai sẽ chi trả cho chúng. "Loại đồ uống được dùng khi nâng cốc cũng được đề cập, do Trump không uống rượu", Rich cho biết.
Tuy nhiên, phái đoàn công tác của hai nước đều làm việc với tâm thế rằng những điều khoản đã được họ thống nhất có nguy cơ "bị ném ra cửa sổ" vào phút chót, nhất là khi Trump và Kim Jong-un thường không làm theo những quy tắc có sẵn.
Ưu tiên hàng đầu của cả hai bên là an toàn cho lãnh đạo. Với tư cách nước chủ nhà, Singapore có trách nhiệm bảo đảm an ninh ở đường phố và nơi công cộng, trong khi Mỹ và Triều Tiên tự triển khai lực lượng bảo vệ Trump và Kim.
Mỗi khi Tổng thống Mỹ công du nước ngoài, ông luôn được hộ tống bởi lượng lớn nhân viên mật vụ Mỹ và lính đặc nhiệm, cùng một đoàn xe gồm nhiều phương tiện đặc chủng. Kim Jong-un không có lực lượng hùng hậu như vậy, nhưng ông cũng có các cận vệ thiện chiến và xe chống đạn hiện đại.
Công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh được tiến hành bởi đoàn tiền trạm của hai nước đến Singapore từ trước. Đoàn tiền trạm của Triều Tiên do Kim Chang-son, người được coi như chánh văn phòng của lãnh đạo Kim Jong-un, dẫn đầu, trong khi đoàn công tác phía Mỹ do Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin phụ trách.
Kim Chang-son cũng được cho là có mặt trong phái đoàn quan chức Triều Tiên đến Nội Bài vào sáng 16/2 nhằm thực hiện "công việc chuẩn bị cho các hoạt động sắp diễn ra tại Hà Nội".
Các quan chức đoàn tiền trạm Mỹ trước đó cũng đã đến Hà Nội. Tờ Yonhap của Hàn Quốc cho biết quan chức tiền trạm Triều Tiên sẽ thảo luận với các đối tác Mỹ về công tác tổ chức hậu cần cho cuộc họp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến được tổ chức ngày 27 và 28/2.
Trước hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore, Kim Chang-son đã nhiều lần gặp Hagin để thảo luận thêm về chi tiết cuộc họp, trong đó có vấn đề thanh toán chi phí khách sạn cho Kim Jong-un và đoàn quan chức Triều Tiên.
Bình Nhưỡng từng nhiều lần hối thúc quốc gia chủ nhà chi trả chi phí cho chuyến công du của quan chức nước này. Tại Olympic Mùa đông Pyeongchang hồi tháng 2/2018, chính phủ Hàn Quốc đã trả khoảng 225.000 USD tiền khách sạn, đi lại và ăn uống cho phái đoàn Triều Tiên, trong đó có Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un. Seoul sau đó chi thêm 121.000 USD cho đoàn quan chức Bình Nhưỡng tới dự Thế vận hội cho người khuyết tật (Paralympics).
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khi đó tiết lộ chính phủ nước này sẵn sàng trả một phần chi phí cho phía Triều Tiên, nhưng không tiết lộ cụ thể số tiền và khoản chi.
"Những yếu tố như thực đơn buổi tiệc và ai bước vào phòng họp trước phải được thống nhất giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un. Mỗi bên đều muốn thêm một số bước để chiếm ưu thế", Wendy R. Sherman, nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu từng tháp tùng cựu ngoại trưởng Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng năm 2000, cho biết.
Trump thường gặp lãnh đạo nước ngoài với cách thức đơn giản, nhiều khi bỏ qua các nghi thức trang trọng. Ngược lại, các nhà ngoại giao từng đàm phán với quan chức Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đề cao quy tắc và sẽ chú ý tới những chi tiết nhỏ như Kim Jong-un ngồi bên nào trên bàn họp.
"Thông thường, người có chức vị cao nhất sẽ vào phòng họp sau cùng và ngồi xa cửa ra vào nhất. Giải pháp cho trường hợp này là phòng họp có hai lối vào", một quan chức Nhật từng tham gia họp với phía Triều Tiên cho biết.
Các nhà tổ chức cũng cần kiểm tra khóa cửa trước cuộc họp. Năm 2005, sau cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh, tổng thống Mỹ George W. Bush đã không thể rời phòng họp báo khi đi về phía cánh cửa bị khóa.
Chi tiết về số bước đi của hai lãnh đạo trước khi đứng chụp ảnh cần được lên kế hoạch tỉ mỉ. Quan chức Mỹ và Triều Tiên cũng phải đàm phán về khả năng quốc kỳ hai nước xuất hiện trong những bức ảnh được chụp ở sự kiện.
"Việc quốc kỳ Triều Tiên xếp ngang hàng với Mỹ là dấu hiệu cho thấy Washington công nhận chủ quyền của Bình Nhưỡng, trong bối cảnh hai nước không có quan hệ ngoại giao chính thức", cựu thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản Mitoji Yabunaka cho biết.
Dưới sự nỗ lực của hàng nghìn người, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất ở Singapore đã diễn ra tốt đẹp với một tuyên bố chung được thống nhất giữa hai lãnh đạo. Tuy nhiên, hai nước sau đó gặp bế tắc trong đàm phán vì cách hiểu khác nhau với khái niệm "phi hạt nhân hóa" trong bản tuyên bố.
Trump đặt kỳ vọng rất lớn vào cuộc gặp thứ hai tại Hà Nội và nhiều nhà phân tích cũng dự đoán hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ thu được kết quả tích cực hơn so với sự kiện ở Singapore, trong đó hai lãnh đạo có thể ra tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cũng như những bước đi cụ thể cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cũng cảnh báo rằng mọi kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng trước sự kiện đều có thể thay đổi bất cứ lúc nào. "Dù quan chức Triều Tiên rất thân thiện trong đàm phán chuẩn bị, bạn không thể biết họ sẽ cư xử thế nào trong những phút cuối trước và trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều", Takeo Harada, quan chức ngoại giao từng tháp tùng cựu thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi thăm Bình Nhưỡng năm 2004, chia sẻ.