Trump và Kim Jong-un sẽ gặp nhau vào cuối tháng này tại Việt Nam. Mỹ ngày 7/2 nói rằng Việt Nam là minh chứng cho thấy hai nước cựu thù có thể khép lại quá khứ thù địch để trở thành đối tác. Triều Tiên cũng là nước từng có xung đột với Mỹ và quan hệ hai nước đã trải qua nhiều biến động.
Năm 1945, Thế chiến II kết thúc và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ phát xít Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Liên Xô và Mỹ đồng ý chia bán đảo này thành hai phần, với đường phân cách là vĩ tuyến 38. Liên Xô tiếp quản miền bắc còn Mỹ quản lý miền nam, theo AFP.
Ngày 10/5/1948, người dân phía Nam bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc. Ngày 9/9/1948, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành. Trong khi Mỹ hậu thuẫn Hàn Quốc thì Liên Xô và Trung Quốc bảo trợ Triều Tiên.
Ngày 25/6/1950, chiến tranh nổ ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Tháng 7/1950, quân đội Mỹ tham chiếm để hỗ trợ Hàn Quốc chống lại Triều Tiên trong khi Triều Tiên nhận được sự hậu thuẫn của quân chí nguyện Trung Quốc. Cuộc chiến tranh kéo dài ba năm khiến hàng triệu người thiệt mạng, trong đó có 36.000 lính Mỹ.
Cuộc chiến kết thúc bằng hiệp định đình chiến được ký tháng 7/1953. Hiệp định này chưa bao giờ được thay thế bằng hiệp ước hòa bình, khiến bán đảo về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh. Mỹ hiện duy trì 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc.
Sau cuộc chiến kéo dài ba năm, Mỹ - Triều liên tục chạm trán trong các sự kiện căng thẳng. Vào cuối thập niên 1960, hải quân Mỹ muốn thu thập tin tức tình báo về tàu ngầm của Triều Tiên, cũng như các tàu ngầm tối tân của Liên Xô được cho là đang hoạt động trong khu vực. Washington quyết định sẽ sử dụng tàu do thám cải trang USS Pueblo để thực hiện nhiệm vụ tối mật.
Tháng 1/1968, tàu hải quân Triều Tiên bắt tàu USS Pueblo ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này. Một thủy thủ thiệt mạng và 82 người bị bắt. Họ bị giữ ở Triều Tiên 11 tháng và được phóng thích sau khi trưởng đoàn đàm phán Mỹ ký tuyên bố thừa nhận con tàu xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải Triều Tiên. Con tàu Pueblo hiện còn được trưng bày ở Bình Nhưỡng và cũng là tàu hải quân duy nhất của Mỹ bị nước ngoài giữ.
Mùa hè năm 1976, hai binh sĩ Mỹ bị lính Triều Tiên bắn chết khi đang cố chặt hạ cây bạch dương ở Khu Phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền bán đảo. Mỹ đáp trả bằng cách điều máy bay ném bom hạt nhân B-52 tới DMZ để răn đe Triều Tiên. Căng thẳng giảm bớt sau khi ông Kim Nhật Thành bày tỏ đáng tiếc về cái chết của hai lính Mỹ. Đây là sự cố đổ máu nghiêm trọng nhất từng xảy ra ở DMZ.
Triều Tiên bị Mỹ liệt vào danh sách các nước tài trợ khủng bố năm 1988 vì bị nghi dính líu đến vụ đánh bom một chuyến bay dân sự của Hàn Quốc, khiến 115 người thiệt mạng.
Triều Tiên đã tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) với tư cách là quốc gia không có hạt nhân vào năm 1985. Các cuộc đàm phán của hai miền bán đảo bắt đầu vào năm 1990 dẫn đến Tuyên bố phi hạt nhân hóa năm 1992. Tuy nhiên, tình báo Mỹ đầu năm 1993 thu được hình ảnh nghi là cơ sở hạt nhân khiến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) yêu cầu thanh tra Triều Tiên.
Mỹ - Triều bắt đầu đàm phán vào tháng 6/1993 về hạt nhân nhưng không đạt được tiến bộ. Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter (nhiệm kỳ 1977 - 1981) tháng 6/1994 có chuyến đi lịch sử tới Triều Tiên để tìm cách phá vỡ thế bế tắc. Carter sau đó chuyển cho Hàn Quốc đề nghị của Kim Nhật Thành về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều và tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Young-sam chấp thuận.
Tuy nhiên, Kim Nhật Thành qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 7/1994, con trai Kim Jong-il kế nhiệm. Tháng 10/1994, Mỹ ký "Thỏa thuận khung" với Triều Tiên, theo đó Bình Nhưỡng đóng băng các hoạt động nguyên tử và đồng ý phá hủy các cơ sở hạt nhân để đổi lại hai lò phản ứng sản xuất điện phục vụ cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, thỏa thuận sụp đổ vào năm 2002, khi quan chức Mỹ cáo buộc Triều Tiên vẫn bí mật tiến hành chương trình hạt nhân.
Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, quan hệ hai bên cải thiện với các chuyến thăm cấp cao của "cánh tay phải" của Kim Jong-il là phó nguyên soái Jo Myong-rok tới Mỹ hay Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, tình trạng êm ấm giảm đi đáng kể sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức vào tháng 1/2001 và thi hành chính sách cứng rắn với Triều Tiên. Bush tháng 1/2002 xếp Triều Tiên bên cạnh Iran và Iraq vào "trục ma quỷ", tức những nước giúp đỡ khủng bố và theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cuối năm đó, Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật tiến hành chương trình làm giàu uranium. Trong khi đó, Triều Tiên chỉ trích Tổng thống Bush là "kẻ độc tài", "tàn độc hơn cả Hitler".
Mỹ trở lại bàn đàm phán với Triều Tiên vào năm 2003 theo khuôn khổ đàm phán 6 bên cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản nhưng không đạt được nhiều kết quả. Triều Tiên năm 2006 lần đầu tiên thử hạt nhân.
Từ năm 2007, Triều Tiên có thái độ hợp tác hơn khi ngừng một số hoạt động hạt nhân và vô hiệu hóa một số nguyên tố quan trọng tại khu phức hợp hạt nhân chính để đổi lại các lợi ích về an ninh, kinh tế, năng lượng. Tháng 10/2008, Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách đen những quốc gia tài trợ khủng bố.
Nhưng đàm phán sau đó sụp đổ vì tranh cãi về cách xác minh các bước phá hủy. Triều Tiên rút khỏi đàm phán vào năm 2009 để phản đối việc bị cộng đồng quốc tế lên án vụ phóng tên lửa tầm xa. Chính quyền Obama thực hiện chính sách "kiên nhẫn chiến lược", không đối thoại với Bình Nhưỡng trừ khi họ dừng các hành động mà Washington cho là khiêu khích.
Lên nắm quyền sau khi cha qua đời cuối năm 2011, Kim Jong-un đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí. Năm 2017, thế giới chứng kiến nguy cơ nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần 6 và tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Kim và Trump còn thường xuyên công kích cá nhân và đe dọa chiến tranh.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên để bảo vệ Mỹ và đồng minh, đồng thời gọi lãnh đạo Kim Jong-un là "người tên lửa tự tìm đường chết". Trong khi đó, Kim Jong-un gọi Trump là "gã người Mỹ lẩm cẩm bị rối loạn tâm thần", người "đã phủ nhận sự tồn tại của đất nước tôi cũng như xúc phạm đất nước tôi trước toàn thế giới".
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc siết chặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên, nhắm vào những mặt hàng xuất khẩu chính như than, sắt, quặng sắt, chì, hải sản và cả lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài.
Cục diện căng thẳng bán đảo Triều Tiên bắt đầu thay đổi từ bài phát biểu đầu năm mới 2018 của Kim Jong-un, khi ông đưa ra thông điệp cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, tuyên bố nhiệm vụ hạt nhân của Bình Nhưỡng đã hoàn tất và nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế. Em gái Kim Jong-un là Kim Yo-jong sau đó dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên dự Olympic.
Ông Kim bắt đầu "chiến dịch tấn công quyến rũ" khi tiến hành họp thượng đỉnh với các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây là động thái mang ý nghĩa lớn vì trong suốt 6 năm cầm quyền, Kim Jong-un chưa bao giờ rời khỏi đất nước và cũng không gặp lãnh đạo nước ngoài nào.
Tháng 3/2018, Triều Tiên gửi lời mời họp thượng đỉnh Trump - Kim đồng thời cam kết "không tiến hành thêm các vụ thử tên lửa hay hạt nhân". Tổng thống Mỹ nhanh chóng nhận lời và cuộc gặp lịch sử diễn ra vào tháng 6/2018 tại Singapore. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp một lãnh đạo Triều Tiên.
Trump và Kim Jong-un bắt tay và mỉm cười với nhau trong bầu không khí thân thiện. Kim nói với Trump thông qua phiên dịch viên rằng: "Tôi nghĩ toàn thế giới đang theo dõi khoảnh khắc này. Nhiều người trên thế giới sẽ nghĩ rằng điều này giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng".
Hai lãnh đạo nhất trí chấm dứt tình trạng đối đầu và hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo, nhưng không đề ra thời gian biểu cụ thể. Tuy Tổng thống Mỹ ca ngợi kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh, giới quan sát tỏ ra hoài nghi về tác động thực tiễn, nghi ngờ rằng Triều Tiên chỉ đang "câu giờ" để cứu vãn nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt.
Sau hội nghị, Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên đồng ý trao trả hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh và phá dỡ một số cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên, nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo không tiến triển như kỳ vọng, khi Triều Tiên được cho là vẫn tiếp tục mở rộng các cơ sở tên lửa, hạt nhân, còn Mỹ vẫn duy trì chiến dịch gây sức ép tối đa.
Để phá vỡ bế tắc, Trump và Kim Jong-un cuối tháng này sẽ gặp nhau ở Hà Nội. Một số chuyên cho rằng cuộc gặp có thể mang lại kết quả khả quan nhưng số khác nghi ngờ về khả năng đạt được tiến bộ thực chất.
"Chúng ta hãy chờ xem mọi chuyện ra sao. Đây sẽ là một diễn biến thú vị", Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận xét.