Thói quen sinh hoạt, ăn uống kém lành mạnh dù không gây hậu quả ngay lập tức, nhưng qua thời gian có thể gây ra các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như béo phì, tăng huyết áp, tăng lượng đường và lipid trong máu, xơ vữa mạch máu, hình thành cục máu đông... Do đó, chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ đáng kể trong tương lai.
Theo BS.CKI Nguyễn Phương Trang (Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) mục đích của liệu pháp dinh dưỡng là phòng ngừa các vấn đề sức khỏe có thể gây ra đột quỵ. Dinh dưỡng ảnh hưởng đến cơ chế sinh bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống có thể phòng ngừa bệnh. Bác sĩ Trang gợi ý những thực phẩm cần hạn chế, nên lựa chọn như sau:
Thực phẩm chế biến sẵn: Ăn nhiều đồ ăn vặt và đồ ăn chứa nhiều chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Thực phẩm đã qua chế biến hoặc đồ ăn vặt như bánh quy giòn, khoai tây chiên, thức ăn nhanh chiên rán nhiều dầu mỡ, chứa nhiều chất béo chuyển hóa, tạo ra cholesterol xấu (LDL) lắng đọng trong thành động mạch dẫn đến tắc nghẽn. Chúng còn làm gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể - yếu tố nguy cơ thường gặp của nhiều bệnh như đột quỵ và đau tim.
Thịt hun khói và thịt chế biến sẵn: Một số chất bảo quản trong thịt hun khói và thịt chế biến như natri nitrit có thể làm hỏng mạch máu và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chúng gây ra oxy hóa dẫn đến tổn thương thành mạch và tổn thương mô. Thịt hun khói và thịt chế biến bao gồm xúc xích, thịt xông khói và xúc xích. Tốt nhất, mỗi người nên hạn chế các món ăn này trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Thực phẩm mặn, nhiều muối: Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ... Bác sĩ Phương Trang cho biết, giảm 5 g muối mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể huyết áp và nguy cơ đột quỵ. Thực tế có rất nhiều người đang ăn thừa gấp đôi lượng muối theo khuyến cáo. 70-80% lượng muối ăn hàng ngày được nêm nếm trong quá trình chế biến; dùng nước, gia vị chấm. Các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để bảo quản được lâu như thịt muối, cá hộp, thịt hộp, xúc xích, giò, chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, các đồ ăn vặt như bim bim, hạt rang muối.
Thực phẩm hay nước ngọt: Đường gây béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, làm nặng thêm tình trạng viêm và lão hóa..., vốn đều là những yếu tố nguy cơ của căn bệnh này. Ngay cả đồ uống ngọt dành cho người ăn kiêng cũng cần hạn chế, tránh lạm dụng.
Bác sĩ Trang cho biết thêm, chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ bao gồm rau củ và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt góp phần ngăn ngừa đột quỵ. Mỗi người nên ăn thịt nạc và thịt gia cầm đã bỏ da. Dùng đậu hoặc đậu lăng để thay thế một số thịt trong món hầm và món cà ri sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
Mỗi người nên ăn ít nhất 2-3 lần cá mỗi tuần, nhất là các loại cá nhiều dầu như cá thu, cá trích, cá mòi, cá hồi vì chúng chứa nhiều axit béo omega-3 có thể ngăn ngừa cục máu đông và hạ huyết áp. Các nguồn chất đạm (protein) dành cho người ăn chay hoặc thuần chay bao gồm đậu phụ, protein thực vật. Hấp, luộc và nướng là hình thức chế biến món ăn tốt cho sức khỏe, hơn là chiên rán.
Chế độ ăn nên có nhiều trái cây, rau củ. Các loại rau có màu xanh và có lá (như rau thơm, bông cải xanh, củ cải) cùng với các loại hạt và nước cốt chanh góp phần bảo vệ mạch máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, phòng ngừa đột quỵ.
Bình An