Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, những người đang mắc các bệnh mạn như tăng huyết áp, béo phì, bệnh tim, cao cholesterol... sẽ có nguy cơ đột quỵ (tai biến mạch máu não) cao hơn. Những người từng bị đột quỵ thì nguy cơ tái phát sẽ rất cao. Bệnh có thể gây tử vong hoặc khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ sống thực vật, tàn phế, cần có người hỗ trợ.
Để phòng ngừa đột quỵ, bên cạnh khám sức khỏe tầm soát định kỳ, chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể mang lại nhiều lợi ích, giảm thiểu nguy cơ và duy trì sức khỏe ổn định. Bác sĩ Minh Đức gợi ý các loại thực phẩm dưới đây mà người có nguy cơ đột quỵ có thể lựa chọn.
Các loại rau màu xanh đậm
Các loại rau màu xanh đậm như rau muống, rau bina, cải xoăn... có chứa nhiều chất xơ cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, C, kai, folate... Ăn nhiều rau có màu xanh đậm không chỉ hỗ trợ kiểm soát cân nặng mà còn giữ huyết áp ở mức ổn định, phòng ngừa đột quỵ.
Cà chua
Cà chua có chứa lycopene - một chất chống ung thư cũng và cũng hỗ trợ bảo vệ các tế bào não khỏi bị tổn thương do tác động của tình trạng oxy hóa. Bên cạnh đó, thường xuyên ăn cà chua còn giúp điều chỉnh đường huyết, tránh tình trạng đường huyết cao là một cách giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
Chanh, bưởi
Uống nước chanh ấm vào buổi sáng có thể cung cấp vitamin C cho cơ thể, giúp detox, hạ mỡ máu, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, mọi người không nên uống quá nhiều nước chanh vì chanh có lượng axit cao, dễ gây đau dạ dày.
Tương tự, ăn bưởi có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ bị đột quỵ. Trong bưởi có chứa hoạt chất chống oxy hóa naringin nhằm loại bỏ mỡ dư thừa trong cơ thể, tránh tình trạng mỡ trong máu gây tắc nghẽn mạch máu.
Các loại cá béo
Cá loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích hay cá ngừ đều chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao. Các loại cá béo giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và hạn chế nguy cơ đột quỵ bằng cách giảm cholesterol xấu và kiểm soát huyết áp.
Các loại đậu, hạt
Đậu Hà Lan, đậu đen và nhiều loại đậu khác đều chứa nhiều protein, chất xơ nhưng lại ít chất béo, hỗ trợ giảm cân cũng như giảm nguy cơ gặp tình trạng này.
Đặc biệt, sữa đậu nành có chứa isoflavones với khả năng hạn chế chứng xơ vữa động mạch dẫn đến tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Thực phẩm này có thể tăng lượng cholesterol tốt cũng như giảm lượng cholesterol xấu trong máu, cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu.
Đậu tương lên men (natto) có nguồn gốc từ Nhật Bản, cũng tốt cho sức khỏe, góp phần ngừa đột quỵ do có chứa hoạt chất nattokinase ngăn sự hình thành cục máu đông. Bên cạnh đó, đậu tương lên men còn có chứa những chất tốt cho sức khỏe, kéo dài tuổi thọ như các loại axit amin; vitamin K2, B2, B12; protein...
Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm các loại hạt vào chế độ ăn uống. Các loại hạt có chứa chất chống oxy hóa, chất xơ, protein, kali, magie và chất béo không bão hòa đa cao. Vì vậy, thường xuyên ăn các loại hạt giúp cân bằng lượng đường trong máu, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, ung thư và đột quỵ.
Khoai lang
Thành phần khoai lang có hợp chất chống oxy hóa cũng như lượng chất xơ cao, hạn chế tình trạng cơ thể tích trữ cholesterol xấu, phòng ngừa đột quỵ. Khoai lang còn có tác dụng giúp no lâu, hỗ trợ giảm cân nhanh hơn.
Tỏi
Tỏi có công dụng hạ huyết áp và cholesterol, làm chậm tốc độ vôi hóa động mạch vành cũng như giảm độ cứng động mạch. Người thường xuyên ăn tỏi cũng giúp phòng ngừa đột quỵ tốt hơn.
Chuối
Chuối tốt cho sức khỏe, có khả năng duy trì đường huyết ở mức ổn định, cải thiện độ nhạy của insulin, hỗ trợ lưu thông máu.
Táo
Để phòng ngừa đột quỵ, bạn có thể ăn táo để bổ sung pectin - một loại chất xơ hòa tan làm giảm cholesterol xấu trong cơ thể, tăng cường lưu thông máu và oxy.
Theo bác sĩ Minh Đức, bên cạnh việc lựa chọn những loại thực phẩm hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ, người bệnh nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung kali và ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ. Uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây, sinh tố, nước ép rau củ quả... cũng rất tốt.
Thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm chứa nhiều đường hoặc muối cần hạn chế. Người có nguy cơ đột quỵ không nên dùng thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, thịt đỏ, bánh kẹo nhiều chất làm ngọt nhân tạo.
"Người bệnh nên theo dõi khẩu phần ăn hằng ngày, duy trì trọng lượng cơ thể ở mức ổn định, tránh giảm cân hoặc tăng cân quá đột ngột. Khám sức khỏe định kỳ với các gói tầm soát đột quỵ cơ bản hoặc nâng cao như tại bệnh viện Tâm Anh có thể giúp phát hiện sớm và kịp thời can thiệp nếu có các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ", bác sĩ Minh Đức cho biết.
Dung Nguyễn