VNExpress

HÔ HẤP VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

Thực phẩm nên ăn và tránh khi hơi thở có mùi

Tỏi, hành, cà phê và đồ uống có cồn có thể khiến vi khuẩn xấu trong miệng phát triển; nước lọc, sữa chua thúc đẩy sản xuất nước bọt, giảm hôi miệng.

Vệ sinh răng miệng sạch kết hợp kiểm soát chế độ ăn uống có thể phòng ngừa hôi miệng. Một số món ăn khiến hơi thở có mùi nhiều giờ liền, trong khi số khác giúp loại bỏ mùi hôi, mang lại hơi thở thơm mát.

Tỏi và hành: Đây là những thực phẩm điển hình có liên quan đến hôi miệng. Chúng chứa các hợp chất lưu huỳnh, tạo nên hương vị đặc biệt, được giải phóng trong quá trình cắt, nghiền hoặc trộn lẫn với vi khuẩn khi tiêu hóa thức ăn gây ra mùi khó chịu. Mùi hôi có thể tồn tại nhiều giờ sau bữa ăn.

Cà phê và rượu: Cà phê và đồ uống có cồn tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xấu trong miệng phát triển. Chúng cũng làm giảm lượng nước bọt tiết ra, gây khô miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn có mùi hôi tồn tại lâu hơn.

Nước lọc: Chất lỏng không mùi này giúp loại bỏ các vi khuẩn do thực phẩm tồn tại trong miệng. Uống nước lọc thúc đẩy sản xuất nước bọt, hoạt động như chất làm sạch liên tục và hòa tan các chất gây mùi trong thức ăn và đồ uống.

Kẹo cao su không đường: Nhai kẹo cao su giúp loại bỏ thức ăn và tế bào chết khỏi răng, nướu và lưỡi, đồng thời thúc đẩy sản xuất nước bọt. Sản phẩm chứa xylitol còn có tác dụng giảm hôi miệng khi nhai ít nhất 5 phút sau bữa ăn vì xylitol ức chế vi khuẩn xấu.

Trái cây và rau giàu vitamin C: Ớt chuông đỏ, bông cải xanh tạo ra môi trường khắc nghiệt khiến vi khuẩn hôi miệng khó tồn tại. Chúng còn có tác dụng chống lại chứng hôi miệng tốt hơn khi ăn sống.

Sữa chua: Vi khuẩn probiotic trong sữa chua lên men có thể làm giảm mùi hơi thở bằng cách giảm hàm lượng hợp chất sunfua gây mùi. Sữa chua cũng chứa các loại vi khuẩn tự nhiên được tìm thấy trong miệng, giúp bảo vệ nướu, răng và lưỡi.

Bảo Bảo (Theo WebMD)
Ảnh: Freepik

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn