Các bệnh đường hô hấp thường gặp ở người già khi thời tiết chuyển mùa như cúm, cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi... Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thời tiết diễn biến thất thường khi giao mùa khiến các loại virus, vi khuẩn, nấm phát triển. Người già sức đề kháng yếu do hệ miễn dịch suy giảm dễ bị tác nhân gây bệnh từ môi trường tấn công. Những người có bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào khiến niêm mạc đường hô hấp và nhu mô phổi bị tổn thương.
Người cao tuổi sống trong môi trường ô nhiễm, không gian sống chật chội, lưu thông khí kém, tiếp xúc nhiều với khói bếp nấu ăn cũng là yếu tố thuận lợi kích ứng niêm mạc hô hấp. Phản ứng miễn dịch suy yếu, giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, từ đó nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn.
Theo bác sĩ Lan, những thay đổi tự nhiên của cơ thể xảy ra khi già đi cũng làm giảm khả năng hô hấp, tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng. Lúc này cơ liên sườn, cơ hoành yếu đi, khiến điều hòa hơi thở khó khăn hơn. Mô phổi mất tính đàn hồi. Các phế nang có thể mất hình dạng và trở nên nhão hơn do thiếu hụt dần collagen, khiến đường thở bị thu hẹp, giảm diện tích bề mặt trao đổi khí. Các túi khí có nhiệm vụ trao đổi O2 và CO2 bắt đầu giãn nở khiến việc trao đổi khí giảm, hạn chế hiệu quả vận chuyển máu giàu oxy đến các cơ quan. Ước tính hiệu quả trao đổi khí giảm khoảng 5% mỗi thập kỷ.
Độ giãn nở của thành ngực giảm do cấu trúc lồng ngực ở người già thay đổi. Tình trạng loãng xương liên quan đến tuổi tác khiến xương lồng ngực mỏng hơn, thay đổi hình dạng, giảm chiều cao đốt sống ngực, phổi ít có không gian mở rộng khi hít thở. Khung xương sườn vôi hóa nên cứng hơn, cản trở sự co bóp của cơ hoành, gây khó thở.
Đường thở và hệ thống mạch máu trong đường hô hấp kém linh hoạt. Phản xạ ho kém nhạy cảm với tác nhân dị ứng. Sức mạnh các cơ thành ngực yếu làm cho phản xạ ho kém hiệu quả. Điều này khiến người già khó loại bỏ dị vật, thanh thải dịch nhầy ra khỏi đường thở. Khi tích tụ trong phổi, những chất này có thể làm hỏng mô phổi và gây viêm nhiễm. Trong khi đó, phổi cũng khó có thể phục hồi sau khi tiếp xúc với khói hoặc hạt có hại khác.
Người già mắc các bệnh lý cơ xương khớp làm giảm khả năng vận động, rèn luyện thể dục, từ đó giảm lưu thông máu, khả năng trao đổi khí. Cân nặng dư thừa khiến khó thở, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý rối loạn chuyển hóa, gián tiếp ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Thói quen ngồi lâu trong nhà cũng khiến họ tăng tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí trong nhà như mạt bụi, nấm mốc...
Sức đề kháng yếu, nhiều bệnh nền, khả năng đáp ứng với các loại thuốc điều trị bệnh hô hấp không tốt như lúc trẻ, nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, nhiễm trùng đường hô hấp biến chứng nặng cao. Các triệu chứng bệnh đường hô hấp thường gặp ở người cao tuổi gồm hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, tức ngực, khó thở, ho, giảm khả năng chịu đựng gắng sức.
Bệnh lý hô hấp ở người cao tuổi dễ bị nhầm bệnh nhẹ do khi nhiễm khuẩn, nhiệt độ cơ thể không tăng cao như người trẻ. Nhưng khi phổi bị tổn thương, tình trạng suy hô hấp diễn tiến nhanh và nặng nề hơn. Khi suy hô hấp, người bệnh thường khó thở nhanh, sau hơi thở chậm dần, kèm theo mặt, môi, vành tai, các đầu chi chuyển màu tím.
Bác sĩ Lan khuyến cáo người cao tuổi cần chú ý bảo vệ sức khỏe để phòng tránh mắc bệnh lý đường hô hấp. Người bệnh nên tuân thủ đơn thuốc điều trị bệnh nền hiện có, tái khám đúng hẹn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp với thể lực, duy trì cân nặng hợp lý. Tránh vận động thể dục ở khu vực có mật độ giao thông cao hoặc khi chất lượng không khí kém.
Người cao tuổi nên mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh nơi gió lùa vào những ngày thời tiết lạnh. Tránh xa khói thuốc lào, thuốc lá. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay khử khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi hoặc chạm tay vào bề mặt dùng chung. Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Tiêm ngừa vaccine, hạn chế tiếp xúc với người đang có dấu hiệu mắc bệnh cũng là cách phòng tránh hiệu quả.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |