ThS.BS Lê Thị Hồng Thắm, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ho, viêm họng, viêm họng hạt, viêm amidan, viêm mũi xoang... đều là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp dễ mắc trong mùa hè. Dịp này, nhiều gia đình đi du lịch. Sự thay đổi môi trường đột ngột khiến cơ thể chưa thích nghi kịp, dễ khiến vi khuẩn, virus tấn công và gây bệnh.
Thời tiết nóng nực trong mùa hè, khói xe máy, bụi thải ra làm cho chất lượng không khí giảm, những chất ô nhiễm này kích thích niêm mạc đường thở, gây co thắt cơ trơn phế quản... Số lượng bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp gia tăng.
Trẻ em dễ mắc bệnh lý viêm đường hô hấp. Bố mẹ nên chủ động tăng cường miễn dịch cho con thông qua chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, duy trì đến 24 tháng tuổi, giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp, viêm phổi, giảm độ nặng khi mắc bệnh viêm tiểu phế quản, hen suyễn. Trẻ cần tiêm đầy đủ vaccine phòng cúm, phế cầu, nhất là khi bé có bệnh mạn tính như hen suyễn.
Hệ hô hấp trên bao gồm tai, mũi, họng thông trực tiếp với lá phổi. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, điều trị chủ động các ổ nhiễm khuẩn ở răng, hàm, miệng, tai, mũi, họng có thể hạn chế vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới.
Người bị viêm nhiễm đường hô hấp trên cần điều trị sớm và triệt để, tránh lan xuống phế quản, phổi. Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người trên 65 tuổi hoặc ở người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh gan, thận... Người bệnh nên nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, tuân theo chế độ điều trị bệnh đang mắc. Tiêm phòng cúm hằng năm cũng giảm khả năng mắc bệnh viêm đường hô hấp.
Nhiệt độ cao, oi bức khiến mồ hôi thoát ra nhiều khiến cơ thể thường bị mất nước. Người bệnh phổi mạn tính, mất nước làm đờm khô, quánh lại kết hợp với chức năng hoạt động của hệ hô hấp suy yếu khiến khó khạc đờm. Dịch đờm ứ lại làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Không tắm ngay sau khi vừa đi ngoài trời nóng về, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi bật điều hòa, không nên để nhiệt độ trong phòng quá lạnh, mức chênh lệch nhiệt độ trong phòng điều hòa tối đa 6-8 độ C so với bên ngoài và hạn chế ra vào thường xuyên phòng đang bật điều hòa. Những ngày nắng nóng nên tập thể dục buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, hạn chế ra ngoài đường khi trời nắng cao điểm.
Uống bia, rượu ngày hè là cách giải nhiệt được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên dùng đồ uống có cồn cũng làm suy giảm sức đề kháng chung của cơ thể. Sau khi dùng bia rượu, cơ thể có cảm giác nóng, nhiều người thường cởi bớt quần áo và bật quạt mạnh, có người tắm lạnh nên dễ bị viêm phế quản phổi. Trường hợp say xỉn bị nôn ra thức ăn, trong lúc nôn có thể sặc thức ăn, chất dịch dạ dày vào phế quản gây viêm phổi nặng.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |