Thứ tư, 18/12/2024
Thứ tư, 2/10/2019, 20:00 (GMT+7)

Nông dân Sóc Sơn cải thiện kinh tế nhờ trồng hoa nhài

Với chi phí đầu tư thấp, trồng hoa nhài mang lại thu nhập 14 triệu đồng một năm cho bà con huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Hoa nhài là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư, chăm sóc ít mang lại giá trị kinh tế. Nhiều năm qua, người dân ở xã Đông Xuân tập trung trồng hoa nhài để mang lại nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế.

Tại thôn Bến xã Đông Xuân có gần 200 hộ trồng nhài, diện tích 360-1000m2. Hoa nhài được người dân trồng cách đây 20 năm. Sau nhiều lần chuyển đổi giống cây trồng nhưng không mang lại giá trị nông nghiệp cao, nhiều hộ nông dân quyết định tiếp tục gắn bó với hoa nhài.

Cánh đồng bạt ngàn hoa nhài tại xã Đông Xuân – Sóc Sơn (Ảnh: Dương Lan)

Cánh đồng bạt ngàn hoa nhài tại xã Đông Xuân - Sóc Sơn. Ảnh: Dương Lan

Nhận ra giá trị kinh tế hoa nhài mang lại lớn hơn so với nhiều cây trồng khác, năm 2004 gia đình ông Đoàn Văn Liêm tận dụng diện tích đất bỏ trống hơn 7.000m2 để trồng nhài. Theo ông Liêm, nhài là loại cây dễ trồng giá bán cao và không phải chăm sóc nhiều. Việc trồng nhài ai cũng có thể làm được, vào vụ thu hoạch, người già, trẻ nhỏ đều có thể dễ dàng hái hoa.

Ông Liêm cho hay nhài là loại cây ưa thời tiết ấm nóng, người dân thường thu hoạch bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9. Để hoa có được chất lượng tốt nhất, người dân phải hái vào buổi chiều. Nếu thời tiết quá nắng, nụ hoa bé lại, rất khó để hái. Hiện tại, mỗi kg hoa nhài có giá 46.000 đồng. Trừ chi phí chăm sóc, mỗi sào nhài mang lại cho gia đình ông Liêm nguồn thu nhập từ khoảng 13 đến 14 triệu một năm.

Ông Liêm, người gắn bó với nghề trồng hoa nhài nhiều năm. Ảnh: Dương Lan

Ông Liêm, người gắn bó với nghề trồng hoa nhài nhiều năm. Ảnh: Dương Lan

Người dân thường bán cho các đại lý, nhà máy chế biến để ướp chè, làm xà bông, nước hoa... Gần đây, hoa nhài Đông Xuân còn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Đây là tín hiệu tốt cho việc trồng hoa nhài của người dân ngày càng phát triển.

Sau mỗi lần thu hoạch, người dân đốn cây để nhài tiếp tục ra hoa với những lứa mới. Hoa nhài dễ chăm sóc, chỉ cần bón phân và tưới nước. Đến vụ thu hoạch cần nhiều nhân công nhưng người già, trẻ nhỏ đều có thể hái được. Đây cũng là một trong những lý do để hoa nhài trở thành cây trồng chủ lực của nông nghiệp huyện Sóc Sơn.

Khó khăn lớn nhất với người dân khi trồng hoa nhài là dịch bệnh. Hoa nhài thường mắc bệnh sâu đục hoa, do đó người dân phải phun thuốc sinh học định kỳ 2 lần mỗi tháng để phòng ngừa.

Loài hoa này khi sử dụng thuốc kích thích mầm sẽ không trổ bông được. Vì vậy, người dân chỉ bón phân và sử dụng thuốc sinh học để chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh. Vào mùa mưa, việc thu hoạch của người dân gặp trở ngại vì hoa khó hái, vất vả hơn do phải chạy đua với thời tiết.

Hoa nhài màu trắng, thường được doanh nghiệp thu mua để ướp chè  (Ảnh: Dương Lan)

Hoa nhài màu trắng, thường được doanh nghiệp thu mua để ướp chè. Ảnh: Dương Lan.

Sau khi thu hoạch, người dân bán cho các nhà máy chế biến chè, doanh nghiệp sản xuất thương phẩm từ hoa nhài nên không lo đầu ra cho sản phẩm. Chia sẻ về mong muốn để việc trồng nhài ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ông Liêm cho biết: "Tinh dầu chiết xuất từ hoa nhài có giá trị lớn, tôi hy vọng sẽ có doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất loại tinh dầu này để giá thu mua của người dân được nâng lên, đảm bảo cuộc sống cho bà con".

Nói về hướng phát triển của nghề trồng hoa nhài tại địa phương trong thời gian tới, ông Trần Văn Sơn - trưởng thôn Bến, xã Đông Xuân cho biết lãnh đạo xã có chủ trương tới địa phương quy hoạch các vùng trồng hoa nhài, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để nhiều người biết đến. Đồng thời sẽ tuyên truyền kỹ thuật trồng hoa nhài, duy trì, kết nối các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho bà con.

Huyện Sóc Sơn có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp. Hoa nhài là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con. Vùng chuyên canh hoa nhài của huyện Sóc Sơn có diện tích 148ha, tập trung ở các xã Đông Xuân, Phù Lỗ, Bắc Phú.

Dương Lan

Chia sẻ bài viết qua email