Thứ sáu, 20/12/2024
Thứ hai, 26/8/2019, 12:00 (GMT+7)

Nông dân Lâm Đồng thu lời gần 6 tỷ nhờ quả mâm xôi

Với trang trại gần 2.000 m2, anh Huỳnh Trung Quân thu lợi nhuận 5 – 6 tỷ đồng hàng năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động.

Nơi đầu tiên ở Lâm Đồng trồng mâm xôi (phúc bồn tử) là huyện Đức Trọng và anh Huỳnh Trung Quân là người đầu tiên trồng theo quy trình Viet Gap thành công loại cây mọc hoang dã này.

Năm 2008, thấy cây mâm xôi tự mọc rất nhiều trong vườn ành, anh Quân bắt đầu tìm hiểu và được biết đây là loại nông sản có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như: bổ can, ích thận, trợ dương, chống lão hóa nâng cao thị lực... Hơn thế, cây mâm xôi còn có khả năng sinh trưởng mạnh, phù hợp với thổ nhưỡng vùng cao nguyên, tự chống sâu bệnh tốt và có thể thu hoạch quả chỉ sau khoảng 4 tháng gieo trồng.

Tiêu đề Người gắn mác VietGAP cho những trái mâm xôi dại (mục Sống xanh) - 1

Anh Quân bắt đầu tìm cách trồng và nhân giống cây mâm xôi theo tiêu chuẩn Viet Gap để kinh doanh. Ban đầu, anh trồng khoảng 90% số cây ở ngoài trời, 10% còn lại trồng trong nhà kính. Cây có thể cho trái quanh năm, vụ chính rơi vào khoảng tháng 6, tháng 7. Anh cho biết: "Chăm sóc cây mâm xôi khó nhất là tuân thủ các yêu cầu trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap. Chứng nhận này chính là tấm vé thông hành giúp khách hàng tin tưởng và an tâm rằng mình đang được sử dụng những sản phẩm sạch và an toàn".

Tiêu đề Người gắn mác VietGAP cho những trái mâm xôi dại (mục Sống xanh)

Sau mười năm gắn bó với cây mâm xôi, anh Quân đã sở hữu trang trại gần 2.000 m2 và chuẩn hoa quy trình gieo trồng, chăm sóc cây. Trang trại của anh nuôi cây trong môi trường khép kín, sạch từ nguồn nước tưới đến chăm sóc cây và thu hoạch quả. Công tác tưới tiêu, bón phân đều được đầu tư và kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Khi cây kết trái, anh Quân đem cắt bỏ những cây con ốm yếu bên cạnh, giúp bộ rễ cây tập trung nuôi dưỡng những cây chất lượng tốt. Ngoài ra, anh còn mày mò tìm cách nhân giống mâm xôi đột biến gen mới, không có lông gai xù xì, cho quả nhiều và chất lượng cao hơn.

Để đảm bảo kinh doanh hiệu quả, anh Quân mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến thêm nhiều sản phẩm khác từ quả tươi như: mứt, trà, rượu, nước cốt... để tránh nguy cơ thua lỗ, rớt giá, dồn ứ hàng khi thị trường tiêu thụ bấp bênh.

Hiện nay, nhãn hiệu mâm xôi Huỳnh Trung Quân đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Không những thế, những trái mâm xôi mang thương hiệu Việt đã bắt đầu xâm nhập vào thị trường nước Nga.

Hướng đi mới này không chỉ giúp anh Quân, mà nhiều hộ gia đình khác đã vươn lên khấm khá, diện tích trồng trên toàn tỉnh ngày càng mở rộng, với quy mô bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Vốn là một loài cây dại, mọc bờ mọc bụi trong rừng, ít ai nghĩ mâm xôi lại trở thành nông sản giúp nhiều bà con Lâm Đồng vươn lên khấm khá. Trên tổng diện tích 20 ha, cứ 1.000 m2, bà con Lâm Đồng thu được 1.900 kg mâm xôi, thu hoạch quanh năm và bán ra với giá mỗi kg 240.000 - 300.000 đồng.

Linh Phương

Chia sẻ bài viết qua email