Thứ tư, 24/4/2024
Chủ nhật, 6/10/2019, 11:00 (GMT+7)

Mô hình chuyển đổi cây trồng tại Hòa Bình

Nhiều vùng chuyên canh nông sản nổi tiếng như cam, bưởi..., giá trị kinh tế mỗi năm tới hàng trăm triệu đồng một hecta.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, chủ trương đẩy mạnh cải tạo vườn, chuyển đổi cây trồng tại nhiều địa phương ở tỉnh miền núi Hòa Bình đã thu được những kết quả tích cực bước đầu.

"Hiện địa phương có nhiều hộ gia đình tự nguyện chuyển đổi, cải tạo vườn trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả (nhãn, na, cây ăn quả có múi), rau, hoa, cây cảnh hay cây dược liệu... qua đó vừa giúp khai thác có hiệu quả diện tích đất vườn đồi, vừa giúp nâng cao thu nhập, phát triển đời sống người dân", ông Vương Đắc Hùng chia sẻ.

Chuyển đổi cây trồng góp phần nâng cao đời sống người dân tại Hòa Bình (Ảnh: N.Y)

Chuyển đổi cây trồng góp phần nâng cao đời sống người dân tại Hòa Bình.

Ông Vương Đắc Hùng cho biết, đến nay toàn tỉnh Hòa Bình đã có trên 6.000 ha đất vườn trồng cây kém hiệu quả được cải tạo để trồng cây cho giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã rà soát, xác định được 14 khu vực trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tại 7 huyện với diện tích 289,5 ha.

Gia đình anh Bùi Văn Bình ở bản Tân Phong, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc là một trong những hộ tiêu biểu thực hiện chủ trương cải tạo vườn cây. Anh cho biết, sau khi được tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện tổ chức, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định trồng thử nghiệm giống bưởi đỏ kết hợp với trồng mía tím. Đến nay, diện tích vườn bưởi của gia đình anh Bình đã bắt đầu cho thu hoạch.

"Cũng mảnh đất ấy nhưng nếu trước đây hiệu quả kinh tế chẳng đáng bao nhiêu thì nay nhờ cải tạo, thay đổi cơ cấu giống cây trồng khu vườn đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng", anh Bình cho hay.

Nhiều địa phương ở Cao Phong, Tân Lạc có diện tích vườn tạp được cải tạo bằng trồng cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, chanh, nhãn..., hiệu quả sử dụng đất còn cao hơn nhiều. Các vùng chuyên canh cây ăn quả mà tiền thân là những vườn tạp, thu nhập bình quân 400 - 600 triệu đồng một ha mỗi vụ.

Cũng nhờ cải tạo vườn, chuyển đổi cây trồng, gia đình anh Bạch Xuân Mới ở thôn Lộc Môn, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, hiện có vườn bưởi diễn, chanh đào sum suê trĩu quả, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Trước đây, khu vườn rộng 6.500 m2 của gia đình anh trồng những cây bản địa không có giá trị kinh tế như quất, hồng bì, ổi, tre, chỉ đủ tự cung tự cấp cây trái cho gia đình.

Mô hình chuyển đổi cây trồng thành công của gia đình Bạch Xuân Mới nhanh chóng có sức lan tỏa trong thôn, hơn 30 ha đất vườn của các gia đình trong thôn giờ đây chuyên canh bưởi diễn cho thu nhập khá, cả thôn không còn hộ nghèo. Nhờ vậy, người dân trong thôn có tiền đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn bằng bê tông, giao thương thuận lợi.

Ông Vương Đắc Hùng cho biết, nhằm đẩy nhanh việc cải tạo diện tích vườn tại địa phương, hiện các cơ quan, ban ngành của tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên người dân mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn gắn với hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ nông dân về vốn đầu tư, giống cây trồng.

Đồng thời, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ được tăng cường, qua đó tạo đầu ra ổn định cho các loại nông sản đặc sản, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên cơ sở hiệu quả cải tạo vườn cây kém hiệu quả.

Như Ý

Chia sẻ bài viết qua email