Thứ ba, 23/4/2024
Thứ ba, 24/9/2019, 16:00 (GMT+7)

Huyện Văn Bàn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo

Sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Người dân huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai xác định nông nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, thu nhập chính của dân địa phương chủ yếu dựa vào việc trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô với mức thu nhập trung bình khoảng 24 - 25 triệu đồng/ha. Với khoảng 4.500 ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện thì diện tích trồng lúa gạo hiện nay chiếm khoảng 50%.

Các giống lúa phân bổ theo khu vực địa lý trồng các giống đặc sản, bản địa như nếp Thẩm Dương, nếp Nậm Xây hay Chăm pét, các giống đại trà như BC15 của Thái Bình hay JO 01 của Nhật. Nhằm nâng cao năng suất và giá trị lúa gạo trên địa phương, các cấp chính quyền đã có nhiều biện pháp thu hút đầu tư, tạo cơ chế chính sách cho các mô hình liên kết.

Người dân sử dụng máy móc trong thu hoạch gạo.

Người dân sử dụng máy móc trong thu hoạch gạo.

Ông Phạm Bình Minh, phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai cho biết hiện trên địa bàn đã có một số khu vực liên kết, một số doanh nghiệp, đặc biệt là các thương lái đã quan tâm đến dòng lúa chất lượng của Văn Bàn. Sau khi có sự liên kết, địa bàn huyện đã quy hoạch thành vùng sản xuất lớn. Người dân cam kết thực hiện theo đúng quy trình mà chính quyền đưa ra.

Để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo thành công cần có sự hiện diện, phối của 5 nhà gồm nhà nước, đầu tư, nhà nông, khoa học và nhà băng. Vai trò của 5 nhà đều quan trọng như nhau nhưng doanh nghiệp cần xác định rõ vai trò là đơn vị đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam.

Hình ảnh trao đổi giữa doanh nghiệp và chính quyền, người dân.

Hình ảnh trao đổi giữa doanh nghiệp và chính quyền, người dân.

Theo bà Bùi Thị Hạnh Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, doanh nghiệp cần xác định được vị trí của mình trong quy trình 5 nhà. Chia sẻ về doanh nghiệp của mình, bà Hạnh Hiếu cho biết: "Chúng tôi xác định vị trí của mình bằng cách thận trọng trong quá trình tập huấn, tham gia, nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình canh tác, để sau đó nhân rộng từ vùng này sang vùng khác cùng với chiến lược sản phẩm của công ty. Tôi tin đây là bước quan trọng để đưa sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như quốc tế".

Nói về tầm quan trọng của sự liên kết sản xuất giữa các nhà, nguyên Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn  Nguyễn Hồng Sơn khẳng định: "Việc liên kết sản xuất giữa nhà nông với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, giữa doanh nghiệp với nông dân, các nhà khoa học... là mối liên kết tất yếu mà chúng ta phải thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Để tạo ra mối liên kết thực sự bền vững và đạt hiệu quả cao thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ là đơn vị đầu tàu, thúc đẩy các mối trung gian để chúng ta có thể xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị thực sự".

Bài và ảnh: Hà Chi

Chia sẻ bài viết qua email