Thứ hai, 18/11/2024
Thứ sáu, 7/4/2017, 10:00 (GMT+7)

Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất 5 - 6 tấn rau sạch mỗi ngày

Nhờ sản xuất tập trung, đúng thời vụ, canh tác theo quy trình đảm bảo nên sản phẩm rau an toàn của bà con hợp tác xã Thôn Đoài, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tạo được đầu ra ổn định, không bị ép giá.

Lợi thế ở vùng đất phù sa ven sông Cầu màu mỡ giúp người dân xã Tam Giang, huyện Yên Phong phát triển nghề canh tác rau màu từ lâu đời. Nhận thấy sản xuất rau an toàn là hướng phát triển bền vững, đồng thời, tìm được đầu ra ổn định, năm 2014, anh Đỗ Chí Sơn - một nông dân ở người thôn Đoài, xã Tam Giang cùng 6 hộ khác thành lập hợp tác xã Thôn Đoài sản xuất rau sạch.

Anh Sơn cho biết, mảnh đất trồng rau của hợp tác xã trước kia là đất bỏ hoang, chưa khai phá, lại nằm cách xa nhà máy và khu dân cư. Để tận dụng bãi đất ấy, anh cùng một số hộ dân đấu thầu, thuê lại đất. Sau đó, các thành viên mạnh dạn làm đơn xin xét nghiệm mẫu đất, nước để chuẩn bị cho mô hình canh tác rau an toàn. Sau sự cố gắng từng bước của bà con mà hợp tác xã rau an toàn Thôn Đoài được trung tâm khuyến nông huyện và Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh quan tâm, hỗ trợ.

polyad

Ruộng bí xanh trồng theo mô hình rau an toàn của hợp tác xã Thôn Đoài, xã Tam Giang. Ảnh: Bizmedia.

Cuối năm 2014, sau khi được phép triển khai mô hình trồng rau an toàn, anh Sơn cùng 6 thành viên khác bắt đầu trồng vụ bí xanh, cà chua, rau cải, dưa chuột đầu tiên trên đất mới. Nhờ kinh nghiệm canh tác rau lâu năm, một sào bí thu của hợp tác xã thu về 1,7 - 1,8 tấn bí, mỗi quả nặng khoảng 1,8 - 2 kg.

Dưới sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông, các thành viên được đi học lớp quy trình sản xuất rau an toàn và nhận chứng chỉ sau 3 tháng. Bà con còn được tham quan mô hình trồng rau an toàn tại Hải Dương, Hải Phòng. Sau 2 - 3 tháng, các thành viên của hợp tác xã đã quen với phương thức sản xuất mới.

Để phát triển mô hình chuyên canh rau sạch, hợp tác xã còn đầu tư thêm đường dây điện, đào giếng để có nguồn nước tưới sạch và lắp hệ thống ống dẫn nước vào ruộng. Thời gian đầu, hợp tác xã thành lập quỹ riêng để khuyến khích các hộ trồng tuân thủ quy trình sản xuất, nhằm mang lại năng suất cao, sản phẩm đẹp. Anh Sơn cho biết: "Hộ nào trồng cà chua đẹp, năng suất tốt, có thể được thưởng tới một triệu đồng".

polyad

Anh Đỗ Chí Sơn, Giám đốc hợp tác xã rau an toàn Thôn Đoài trên ruộng bắp cải của gia đình vụ 2016 - 2017. Ảnh: Bizmedia.

Các thành viên cũng phải tuân thủ theo 25 quy định của hợp tác xã về sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như thời gian cách ly, nhằm đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn trở thành đầu mối cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng danh mục cho toàn bộ xã viên. 

Trước khi thu hoạch, bà con xã viên phải thông báo cho giám đốc hợp tác xã để kiểm tra chất lượng rau lần cuối trước khi xuất đi. Mỗi lô hàng đều được đánh dấu, ghi rõ thông tin liên hệ, nhờ đó, các hộ tham gia đều phải cam kết chịu trách nhiệm với sản phẩm tới cùng.

Anh Sơn chia sẻ thêm: "Làm rau an toàn có cái lợi là khi đã ký kết được với doanh nghiệp, giá bán không bị thay đổi, bất kể sản phẩm ngoài thị trường lên hay xuống. Thông thường, cà chua của hợp tác xã được mua ổn định với giá 7000 đồng một kg, bắp cải loại một được 6.000 đồng một kg".

Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất 5-6 tấn rau sạch mỗi ngày 
 
 

Mô hình trồng rau an toàn tại xã Tam Giang.

Đến nay, hợp tác xã có 15 thành viên tham gia sản xuất rau an toàn, mỗi ngày, cung cấp 5 - 6 tấn rau sạch theo mùa mùa. Các loại rau chủ yếu là bí xanh, bí đỏ, ớt, cà chua, mướp, dưa chuột…, được phân phối cho nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn xã Tam Giang và xuất đi một số tỉnh lân cận.

Thu Giang

Chia sẻ bài viết qua email