Thứ tư, 18/12/2024
Thứ năm, 31/10/2019, 13:00 (GMT+7)

Người nông dân Hà Nội nuôi dế thương phẩm tăng thu nhập

9 năm miệt mài nuôi dế thương phẩm, anh Bùi Văn Lâm, xã Tiến Xuân, Thạch Thất. Hà Nội có nguồn thu nhập ổn định.

Sinh sống ở vùng ngoại thành, diện tích đất rộng lớn, anh Bùi Văn Lâm cùng nhiều hộ nông dân ở xã Tiến Xuân chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp. Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình anh Lâm nhờ vào trang trại nuôi lợn nái. Cách đây hơn một năm, việc nuôi lợn gặp khó khăn vì dịch bệnh, giá cả bấp bênh... nên anh Lâm có suy nghĩ chuyển sang hình thức chăn nuôi khác.

Cuối năm 2018, quan sát thấy nhiều người nuôi dế thành công, anh Lâm quyết định học theo. Anh cho biết: "Nuôi dế ít dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường khá cao vì côn trùng có thể chế biến nhiều món ngon. Dế có thời gian sinh trưởng ngắn, ít thải phân gây ô nhiễm môi trường".

Anh Lâm tận tâm với mô hình nuôi dế của mình.

Anh Lâm tận tâm với mô hình nuôi dế của mình.

Thời gian đầu thử nuôi dế, anh Lâm là người đi đầu tại xã Tiến Xuân nên việc trực tiếp học hỏi các mô hình lân cận trong địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ eo hẹp, không có đầu ra do nhiều người chưa biết chất lượng dế nuôi của anh.

Sau 9 năm, anh Lâm mới bán được lứa dế đầu tiên vào giữa năm 2019. Thu hoạch được 50-70kg dế, anh Lâm bán lấy vốn đầu tư và mở rộng quy mô chuồng trại.

Sau bài học thất bại, anh Lâm tiếp tục chăm sóc số dế còn lại, hy vọng thành công từ mô hình này. Dế không chịu được cái lạnh của thời tiết mùa đông nên anh Lâm bật bóng điện, tạo nhiệt độ ấm nóng để duy trì số dế ít ỏi còn lại."Tháng 9/2018, tôi bắt đầu mua trứng dế về. Khi đó, dế không chịu được thời tiết mùa đông nên nở ra bị chết. Ấp 10kg trứng dế chỉ nở được khoảng 3kg con, hầu như không thu hoạch được để bù chi phí mình bỏ ra", anh Lâm nhớ lại.

Anh học hỏi kinh nghiệm từ các bài viết trên mạng internet và áp dụng kĩ thuật nuôi vào chuồng dế của mình. Anh cho biết: "Dế thường mắc bệnh bại liệt và tiêu chảy. Bệnh bại liệt xuất hiện ở dế do vào mùa đông nhiệt độ thấp, dế không chịu được rét dẫn đến còi cọc và chết dần. Cùng với đó, nếu dế ăn phải thức ăn bị nhiễm hóa chất hay phân đạm sẽ chết do mắc bệnh tiêu chảy".

Khay trứng bằng giấy được anh Lâm tận dụng làm ổ cho dế.

Khay trứng bằng giấy được anh Lâm tận dụng làm ổ cho dế.

Trở thành nhà cung cấp dế thương phẩm

Trải qua nhiều khó khăn về thị trường và kĩ thuật nuôi, giờ đây, mô hình nuôi dế mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập hơn 10 triệu/tháng.

Hiện tại, anh Lâm có hơn 20 chuồng dế giống Thái, gồm các loại: dế cơm, dế trứng, dế than. Các loại dế có giá bán giống nhau nhưng dế cơm được nhiều người ưa chuộng hơn. Mô hình nuôi dế của anh trở thành nơi cung cấp dế thương phẩm cho các nhà hàng côn trùng tại địa phương và nội thành Hà Nội. Mỗi tháng anh thu hoạch khoảng 1 tạ dế với giá bán 160 nghìn đồng một kg.

Mô hình nuôi dế của gia đình anh Lâm.

Mô hình nuôi dế của gia đình anh Lâm.

Anh Lâm cho biết: "Một vòng đời của dế diễn ra  40-60 ngày. Dế cần nhiều thức ăn trong khoảng 20 -30 ngày tuổi. Khi dế khi được 40 ngày tuổi sẽ gáy và bắt đầu sinh sản. Trong khoảng thời gian này phải cung cấp thức ăn đầy đủ cho dế bố mẹ, khi đó tỷ lệ trứng nở sẽ cao".

"Khi dế đẻ, tôi mua khay trứng làm bằng giấy và rải cát lên làm ổ cho dế. Để đảm bảo điều kiện cho dế sinh sản tốt nhất khi trời lạnh, tôi phải thắp bóng điện và che bạt, trời nóng quá phải bật quạt để nhiệt độ trong chuồng thích hợp với dế. Dế ưa thời tiết ấm áp, nhiệt độ khoảng từ 25-30 độ C", anh Lâm chia sẻ.

Tận dụng chuồng trại nuôi lợn trước kia, anh Lâm che kín để tránh kiến và côn trùng khác không bò vào được, làm chỗ nuôi dế thương phẩm. Anh Lâm lập kế hoạch mỗi tháng thu hoạch một lần và dự trữ trong tủ lạnh để ngày nào cũng có hàng bán .

Cũng theo anh Lâm, thức ăn của dế chủ yếu là cám và rau sạch. Trong quá trình nuôi phải đảm bảo nguồn thức ăn của dế phải sạch sẽ, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nếu không dễ sẽ bị nhiễm bệnh. Trên mỗi chuồng trại, anh Lâm sẽ ghi ngày dế bắt đầu nở để tiện theo dõi và chăm sóc. Dế lớn lên sẽ được anh Lâm san bớt sang chuồng khác để đảm bảo diện tích nuôi được rộng rãi, thoải mái nhất.

Theo anh Lâm, mô hình nuôi dế thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn gấp 3 lần so với nuôi lợn. Hơn nữa, nuôi dế đỡ vất vả hơn và bớt lo lắng hơn về dịch bệnh và đầu ra sau khi thu hoạch.

Ở xã Tiến Xuân hiện nay có khoảng 20 hộ nuôi dế với hơn một nửa số hộ nuôi dế thương phẩm. Nói về tình hình phát triển mô hình nuôi dế tại địa phương, ông Quách Đình Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Xuân cho biết: "Nuôi dế mang lại lợi nhuận cao, tuy nhiên vào mùa đông, xã Tiến Xuân rét hơn ở nơi khác nên các hộ nông dân phải chủ động che chắn chuồng trại tránh tình trạng dế bị chết rét. Chính quyền luôn tạo điều kiện cho các hộ vay vốn xây dựng mô hình nuôi dế nhằm tạo nguồn thu nhập".

Trang Thảo

Chia sẻ bài viết qua email