Thứ năm, 25/4/2024
Thứ ba, 15/10/2019, 11:00 (GMT+7)

Hộ nông dân Đông Anh làm giàu nhờ mô hình VAC

Mô hình VAC mang lại cho gia đình chị Trần Thị Bảy nguồn thu gần 100 triệu mỗi năm, lớn hơn nhiều so với trồng lúa đơn thuần.

Gia đình chị Trần Thị Bảy ở Hội Phụ, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội triển khai mô hình VAC (Vườn - ao - chuồng) từ năm 2015 khi việc trồng lúa rơi vào khó khăn khi thiếu nước, dịch bệnh,... dẫn đến mất mùa. 

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích đất rộng 5 sào Bắc Bộ được chị Bảy trồng 60 gốc cây ăn quả gồm bưởi, ổi, đu đủ, 3 dãy chuồng trại nuôi lợn, gần 100 con vịt, ngan và ao cá rộng khoảng 1.000m2. Mô hình VAC của gia đình chị Bảy được thực hiện với quy mô nhỏ lẻ phục vụ người dân xung quanh địa phương.

Hộ nông dân Đông Anh làm giàu nhờ mô hình VAC 

Vườn cây ăn quả trong mô hình VAC của gia đình chị Bảy.

VAC là mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp gồm vườn (sản xuất trồng trọt), ao (nuôi trồng thủy sản), chuồng (chăn nuôi gia súc, gia cầm). Đây là mô hình kinh tế sinh thái nông nghiệp xuất hiện ở nhiều cộng đồng nông thôn Việt Nam. Các thành phần trong hệ thống có mối liên hệ mật thiết với nhau, tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu con người và nguồn thu nhập cho người sản xuất.

Tận dụng lợi thế của mô hình vườn - ao - chuồng, gia đình chị Bảy đã sử dụng thức ăn của lợn, phân gà ủ trấu dùng để bón cho cây trồng. Do được nuôi từ nguồn thức ăn sạch, không sử dụng cám công nghiệp nên đàn lợn của gia đình chị có thời gian nuôi lâu hơn thông thường khi phải nuôi từ 5 - 6 tháng mới có thể xuất chuồng. Đối với loại cá trắm to thì cá nuôi tại ao nhà chị chỉ có trọng lượng từ 2 - 3kg.

Thời gian chăn nuôi theo mô hình VAC của gia đình chị Bảy diễn ra lâu hơn nhưng bù lại do tự cung được nguồn thức ăn nên chị không mất tiền mua cám và giá bán được cũng cao hơn bởi chất lượng thịt ngon và đảm bảo. Hiện tại, mô hình VAC mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập gần 100 triệu mỗi năm, lớn hơn rất nhiều so với việc trồng lúa trước đây chị từng làm.

Hộ nông dân Đông Anh làm giàu nhờ mô hình VAC  - 1

Chị Bảy chăm sóc vườn cây trong mô hình VAC.

Chị Bảy chia sẻ, để có được mô hình VAC phát triển như thế này, chị và gia đình đã phải trải qua nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật nuôi trồng và công cuộc làm đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng. "Khó khăn lớn nhất tại thời điểm đó là vốn nhưng nhờ sự giúp đỡ của anh em, hàng xóm gia đình tôi cũng xoay xở được tiền để xây dựng trang trại", chị Bảy cho biết.

Với số vốn ít ỏi vay mượn được, chị cùng các thành viên trong gia đình đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại, cải tạo đất phù hợp với trồng cây ăn quả. Khó khăn về vốn được giải quyết, chị Bảy lại thua lỗ do thiếu kỹ thuật nuôi trồng. Hai năm đầu, ao cá của gia đình chị gần như mất trắng, cứ gần thu hoạch cá chết nổi lên cả một vùng trắng xóa.

Không nản chí với những khó khăn bước đầu gặp phải, chị tiếp tục đầu tư vào mô hình VAC của mình. Nhờ học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng từ những hộ dân đi trước, dần dần mô hình VAC cũng mang lại kinh tế cho gia đình chị.

Mặc dù không triển khai theo quy mô lớn, nhưng sự hiệu quả trong quá trình nuôi trồng, sản xuất mô hình VAC đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống ấm no cho gia đình chị Bảy.

Nói về sự thay đổi sau khi thực hiện chuyển đổi trồng lúa sang mô hình VAC, chị Bảy cho biết, lợi ích kinh tế mô hình này mang lại cao gấp 5 lần so với trước kia. Dù thực hiện mô hình VAC vất vả hơn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại hơn nhiều so với trồng lúa. "Trước đây trồng 5 sào lúa tôi thu được khoảng 2 tấn thóc, trừ chi phí cày bừa, công cấy, phân đạm thu về khoảng được 10 triệu/năm, nhưng giờ bán 1 lứa cá cũng bằng tiền bán lúa, chưa kể bán các sản phẩm khác", chị Bảy cho biết.

Hộ nông dân Đông Anh làm giàu nhờ mô hình VAC  - 2

Ao nuôi cá trắm, cá rô phi, là nguồn nước tưới cho vườn cây ăn quả.

Nhận ra hiệu quả mô hình VAC mang lại cho các hộ gia đình, chi Hội phụ nữ thôn Hội Phụ nữ luôn tạo điều kiện để các thành viên phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng như gia đình chị Bảy.

Chị Chử Mai Anh, hội trưởng Hội phụ nữ thôn Hội Phụ cho biết: "Việc thực hiện mô hình VAC thả cá, trồng cây, chăn nuôi có thể tạo sự ổn định kinh tế cho các thành viên. Vì vậy, Hội phụ nữ đã liên kết với ngân hàng chính sách để gia tăng gói vay và thời hạn vay vốn cho các hộ gia đình để phát triển mô hình này".

Trà Linh

Chia sẻ bài viết qua email