Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 28/9/2019, 15:00 (GMT+7)

Đồng Tháp phát triển kinh tế qua mô hình hội quán

Thông qua hội quán, nông dân có cơ hội tìm hiểu về những kỹ thuật sản xuất mới, cách kinh doanh hiệu quả...

Tại Đồng Tháp, "hội quán" là hình thức liên kết tự nguyện của nông dân nhằm chia sẻ những kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xã hội... và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Thời gian sinh hoạt của hội quán rất linh hoạt, tùy theo điều kiện, các thành viên tự thỏa thuận, không ảnh hưởng đến việc sinh kế, mùa màng, ruộng vườn, chăm lo gia đình...

Tiêu đề Đồng Tháp: Phát triển kinh tế thông qua mô hình hội quán (Sống xanh - Chính sách)

Một buổi sinh hoạt của các thành viên hội quán Tân Quê, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: A.N

Nhằm tạo điều kiện cho các hội quán hoạt động, chính quyền các cấp ở Đồng Tháp chỉ đạo các ngành chuyên môn tập huấn công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cung cấp thông tin về thị trường và hỗ trợ máy vi tính, đường truyền cáp quang, tivi, máy chiếu... Điều này nhằm giúp các hội quán kết nối nhanh về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, hoạt động chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả và tự tin hơn trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.

Qua thực tiễn hoạt động, mô hình hội quán đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đó là góp phần phát triển kinh tế. Hội quán tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, cách kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm...

Ông Nguyễn Quốc Dũng, một thành viên của Canh Tân hội quán, cho biết: "Ở đây, người nông dân vui lắm, rất mong chờ đến chiều cuối tuần, bởi cứ xong việc ruộng vườn, nhà cửa, khoảng chiều tối thứ Bảy hàng tuần, những nông dân ở xã An Nhơn lại đến với hội quán để bàn chuyện làm ăn, bàn chuyện thôn, ấp. Trước đây, bà con vẫn hay canh tác theo kiểu tư duy manh mún, khi thu hoạch đã dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá, hoặc được giá thì mất mùa. Từ khi hội quán ra đời, đây là nơi sinh hoạt, chia sẻ thông tin chung, nên đã hạn chế được tình trạng trên".

Thành viên Canh Tân hội quán còn chia sẻ ở đây, bà con chuyên trồng nhãn, cũng vì mạnh ai người nấy làm, do cách chăm sóc, tiếp cận thị trường nên nhiều năm sản phẩm kém chất lượng, rơi vào tình trạng ế ẩm. Hiện nay, bà con đã biết cách trồng nhãn an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, đảm bảo chất lượng nên hầu như vụ nào, trái nhãn ở đây cũng bán được giá và thương lái, doanh nghiệp đến thu mua hết.

Tiêu đề Đồng Tháp: Phát triển kinh tế thông qua mô hình hội quán (Sống xanh - Chính sách) - 1

Mô hình liên kết trồng hoa của hội quán Làng Hoa, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: A.N

Nhờ hội quán, mô hình "Cây xoài nhà tôi" xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, đã bán 224 cây xoài các loại với số thành viên tham gia mô hình là 27, tổng số tiền trên 830 triệu đồng, có 32 đoàn khách đến tham quan để cùng thu hoạch và giao lưu với các nhà vườn. Hay mô hình "Cây cam vườn tôi" của Đông Tân hội quán, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, đến nay đã bán được 40 cây, với số tiền là 400 triệu đồng. Mô hình hội quán đã giúp cho nhà vườn, hợp tác xã quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh, cam Cao Lãnh... mà không cần tốn phí, nhờ việc thông qua khách tham quan đến thăm và mua sản phẩm của địa phương.

Hơn nữa, hội quán hoạt động như một thiết chế xã hội tự quản, giúp cho người dân từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, dần thể hiện và phát huy được tinh thần đoàn kết, khẳng định tính tự nguyện, tự chủ, tự quản đối với công việc của mình và của cộng đồng. Người dân bắt đầu chuyển từ thói quen sản xuất nhỏ lẻ đến tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu thị trường. Đặc biệt là sản xuất hàng hoá uy tín, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, như tâm niệm của bà con nông dân ở Minh Tâm hội quán - Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh: "Sản xuất, mua bán nông sản là trao đi sức khoẻ, nhận lại niềm tin từ người tiêu dùng".

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, hội quán ra đời với mong muốn thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất và tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trên thị trường trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, xây dựng được chuỗi ngành hàng và tạo niềm tin cho người nông dân trong sản xuất, kinh doanh, huy động người nông dân cùng xây - cùng quản - cùng hướng với cấp ủy, chính quyền địa phương.

"Hội quán đã giúp chuyển biến nhận thức của nông dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, theo quy trình hữu cơ sinh học, xây dựng quy hoạch, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp phân phối, chế biến với các nhà sản xuất, hộ nông dân, giúp kinh tế của Đồng Tháp ngày càng phát triển", Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh.

An Nguyên

Chia sẻ bài viết qua email