Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây do lối sống và thói quen ăn uống kém lành mạnh.
Triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng thường gặp là nóng rát, cồn cào, đau ở vùng bụng trên rốn (vùng thượng vị). Tùy vào mức độ cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Thông thường cơn đau dữ dội hơn khi dạ dày trống rỗng, không chứa thức ăn. Người bệnh cũng thường đau nhiều hơn vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Một số thói quen dưới đây giúp ngủ ngon, giảm triệu chứng đau, cải thiện viêm loét dạ dày - tá tràng, theo bác sĩ Khanh.
Hạn chế ăn uống trước khi ngủ
Cơn đau dạ dày thường xuất hiện giữa đêm do người bệnh có thói quen ăn không đúng giờ giấc, không đảm bảo dinh dưỡng. Để bụng đói hoặc ăn quá no đều làm tăng axit trong dạ dày và trầm trọng thêm vết loét. Uống rượu bia và thức uống chứa caffeine trước khi ngủ cũng góp phần gây đau dạ dày và giảm chất lượng giấc ngủ.
Để khắc phục tình trạng này, người bệnh nên ăn uống đủ bữa và đúng giờ. Không ăn tối sau 20h vì sau khoảng thời gian này thức ăn chưa được tiêu thụ hết, có thể đau thắt bụng, đầy hơi, khó chịu. Cắt giảm đồ ăn nhẹ và đồ uống vào đêm muộn, hạn chế món chua, cay, thực phẩm khó tiêu hóa như đồ chiên, rán.
Tạo không gian ngủ thoải mái
Phòng ngủ cần tối, yên tĩnh, cách xa các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại, máy tính bảng... Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình thiết bị điện tử làm ức chế não bộ và cản trở quá trình sản xuất của hormone melatonin gây buồn ngủ. Suy giảm hormone này khiến người bệnh hay trằn trọc, chất lượng giấc ngủ kém.
Thư giãn đầu óc trước khi ngủ
Hệ thống tiêu hóa được điều khiển bởi hệ thống thần kinh ruột, giao tiếp với hệ thống thần kinh trung ương. Cơ thể căng thẳng khiến hệ thống thần kinh trung ương tắt lưu lượng máu, ảnh hưởng đến các cơ co thắt của cơ bóp tiêu hóa, giảm tiết cần thiết cho tiêu hóa, ngưng trệ quá trình tiêu hóa.
Stress khiến dạ dày hoạt động nhiều hơn bình thường, dẫn đến tiết ra nhiều axit và tổn thương thêm niêm mạc. Tâm trạng căng thẳng mệt mỏi trước khi đi ngủ có thể dẫn đến co thắt ở thực quản, tăng axit trong dạ dày, gây khó tiêu.
Người bệnh cần tránh các hoạt động gây căng thẳng quá mức trước khi ngủ như làm việc, xem điện thoại liên tục nhiều giờ. Thay vào đó nên thư giãn, thả lỏng bản thân để làm dịu cơn đau dạ dày, giúp chìm vào giấc ngủ nhanh, dễ chịu hơn.
Ngủ thẳng người hoặc nghiêng bên trái
Tư thế ngủ thẳng người, duỗi chân thoải mái có thể kiểm soát chuyển động của axit trong dạ dày và giảm nhẹ các triệu chứng loét. Bên cạnh đó, tư thế nằm nghiêng bên trái hỗ trợ hoạt động tiêu hóa hấp thu thức ăn, cải thiện quá trình bài tiết chất thải vào sáng hôm sau. Nhờ đó người có bệnh đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày - tá tràng giảm triệu chứng ợ nóng.
Bác sĩ Khanh giải thích khi cơ thể nghiêng bên trái, thức ăn từ dạ dày cùng các enzym tiêu hóa đi xuống ruột non và ruột già được thuận tiện hơn. Chỗ nối thực quản và dạ dày được giữ ở vị trí cao hơn mức bình thường nên dịch tiêu hóa có tính axit ở dạ dày không có khả năng trào ngược.
Ngủ sớm, đủ giấc
Thức khuya thường xuyên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng. Bác sĩ Khanh khuyến cáo nên ngủ trước 23h, ngủ đủ 7-9 giờ mỗi đêm. Nên ngủ và thức dậy vào các khung giờ cố định trong ngày. Nếp sinh hoạt nhất quán này tạo nhịp học tốt cho giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |