Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tập thể dục thường xuyên, trong đó chạy bộ mang lại nhiều lợi cho sức khỏe tổng thể. Chạy bộ thúc đẩy cơ thể giải phóng endorphin tự nhiên (hormone giúp cơ thể có cảm giác thoải mái sau thời gian luyện tập thể thao) có ảnh hưởng đến các tình trạng tiêu hóa.
Cải thiện các bệnh đường tiêu hóa
Chạy bộ làm gia tăng co bóp tự nhiên của ruột, giảm áp lực lên đại tràng, kích thích nhu động ruột, làm chậm thời gian thức ăn di chuyển qua ruột, cải thiện táo bón. Quá trình tập luyện còn góp phần hạn chế lượng nước hấp thụ từ phân vào cơ thể, nhờ đó phân được đào thải dễ dàng.
Khi chạy bộ, cơ thể giải phóng endorphin tự nhiên góp phần giảm đau và triệu chứng khó chịu của các bệnh tiêu hóa mạn tính.
Theo Tiến sĩ Khanh, những người chạy bộ, tập thể dục đều đặn ít có nguy cơ mắc bệnh túi thừa và biến chứng hơn. Môn thể thao này còn hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ sỏi túi mật, ung thư đại trực tràng.
Chạy làm tăng nhiệt độ cơ thể, thúc đẩy đốt cháy calo, mỡ thừa, cơ bắp săn chắc. Tập luyện mỗi ngày kết hợp ăn uống khoa học có thể giảm mức độ gan nhiễm mỡ. Nên chạy bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, kèm theo các bài tập sức bền và thể dục nhịp điệu.
Tăng cường hệ vi sinh đường ruột
Hơn 70% tế bào miễn dịch nằm trong ruột. Đường ruột khỏe là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch mạnh.
Thói quen chạy bộ hoặc các hoạt động thể chất khác tạo nên thay đổi về thành phần và chức năng trong hệ vi sinh vật đường ruột. Tập thể dục đều đặn thúc đẩy cơ thể tạo ra axit béo butyrate - chất chuyển hóa quan trọng của vi sinh vật được ruột, góp phần duy trì cân bằng nội môi miễn dịch đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa khỏe.
Cải thiện tốc độ tiêu hóa
Chạy bộ còn hỗ trợ cải thiện tuần hoàn tổng thể, nhuận tràng. Nhịp tim tăng kích thích cơ ruột loại bỏ chất thải khó tiêu còn sót lại. Đây là lý do tại sao một số vận động viên thường muốn đi vệ sinh, nhất là sau buổi tập căng thẳng.
Tiến sĩ Khanh giải thích chạy bộ giúp tăng cường nhu động ruột, tức là sự giãn nở và co bóp của các cơ trong đường tiêu hóa. Mặc dù nhu động ruột có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề đường tiêu hóa đối với một số người chạy bộ, nhưng với những người khác, nó có thể dẫn đến đi ngoài thường xuyên hơn giữa các lần chạy.
Chạy 3-4 lần một tuần làm tăng số lượng và vi khuẩn tốt trong ruột, cải thiện sức khỏe tiêu hóa và tinh thần. Hình thức tập luyện này còn giảm mức độ căng thẳng, tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Tuy nhiên, khi ngừng chạy bộ hoặc tập thể dục, số lượng vi khuẩn có lợi lại giảm đi.
Ăn một bữa ăn nhẹ giàu protein và chất béo trước khi chạy để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bữa ăn cách giờ tập khoảng hai tiếng để tránh trào ngược. Uống nước đầy đủ khi tập thể dục vì mất nước gây ra các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, co thắt.
Tiến sĩ Khanh khuyến nghị tùy vào tình trạng sức khỏe mọi người chọn môn thể thao, bài tập thể dục phù hợp. Vận động thể chất thường xuyên giúp tăng cường năng lượng, giảm căng thẳng, duy trì cân nặng khỏe mạnh, hỗ trợ điều trị các bệnh như bệnh tim, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |