Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân chính dẫn tới viêm loét dạ dày, tá tràng, lâu dài có thể ung thư dạ dày. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết Việt Nam là một trong nhiều nước có tỷ lệ nhiễm khuẩn HP cao. Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của dạ dày cũng như loại vi khuẩn này.
Đồ ăn mặn, nhiều muối kích hoạt vi khuẩn HP hoạt động mạnh hơn, gây viêm, làm lan rộng các tổn thương ở dạ dày. Vi khuẩn HP khi kết hợp với muối gây ra hiện tượng đứt gãy các ADN của tế bào niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét, dị sản, loạn sản niêm mạc dạ dày, từ đó tăng nguy cơ mắc ung thư.
Đồ chua như dưa muối, cà muối, giấm ăn... có dư lượng axit cao. Ăn quá nhiều làm tăng lượng axit bào mòn thành dạ dày, tăng nặng các tổn thương sẵn có.
Một số loại gia vị mạnh như ớt, hạt tiêu, mù tạt kích thích ruột, nóng rát vùng thượng vị (trên rốn). Ăn nhiều có nguy cơ viêm loét dạ dày lan rộng, biểu hiện với các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, ợ chua kèm theo các cơn đau khó chịu.
Chế độ ăn nhiều carbohydrate và đồ ngọt tạo điều kiện cho vi khuẩn HP phát triển, hoạt động mạnh hơn. Người ăn thực phẩm chứa nhiều carbohydrate có tỷ lệ mắc các bệnh đường tiêu hóa do nhiễm vi khuẩn HP cao hơn, theo bác sĩ Khanh.
Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hay sử dụng các đồ uống chứa nhiều caffein như trà đặc, cà phê... làm gia tăng sản xuất axit dạ dày, gây kích ứng niêm mạc, tăng nguy cơ viêm loét niêm mạc dạ dày.
Thực phẩm giàu chất béo từ các nguồn không lành mạnh như thịt chế biến sẵn, xúc xích, đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ... cần nhiều thời gian để tiêu hóa, tạo áp lực cho dạ dày. Chất bảo quản, chất béo trong các thực phẩm này có thể thay đổi tính chất lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày, dễ khiến viêm niêm mạc tiến triển nặng.
Theo bác sĩ Khanh, vi khuẩn HP có nhiều chủng khác nhau, không phải chủng nào cũng ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày người nhiễm. Chỉ có những loại vi khuẩn có độc lực cao như mang gen CagA, VacA mới gây viêm loét dạ dày tá tràng và tăng nguy cơ ung thư.
Hầu hết người nhiễm HP không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi nhiễm trùng dẫn đến viêm loét, người bệnh mới có một số biểu hiện như đau khó chịu thường ở vùng bụng trên, trướng bụng, dễ no dù ăn ít, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, phân sẫm màu, mệt mỏi...
Mặc dù tỷ lệ phát triển ung thư do nhiễm HP không cao. Tuy nhiên, nhiễm loại vi khuẩn này là tình trạng phổ biến nên được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra ung thư dạ dày. Người bệnh có triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng rõ rệt nên xét nghiệm HP. Người không có triệu chứng song thuộc nhóm nguy cơ cao như có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày (bố mẹ, anh chị em ruột) cần thực hiện chẩn đoán nhiễm khuẩn HP để có thể phát hiện sớm và điều trị dự phòng kịp thời.
Sử dụng thuốc theo phác đồ là phương pháp điều trị nhiễm khuẩn HP hiệu quả khi có chỉ định. Đồng thời, chế độ ăn uống khoa học cũng góp phần ức chế và tiêu diệt tác nhân gây bệnh, hạn chế thương tổn dạ dày.
Người bệnh nên từ bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa rượu, bia, trà đặc, cà phê, nước ngọt có gas... Không ăn thực phẩm giàu chất béo, có tính axit cao hay sử dụng nhiều muối. Loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, đông lạnh, đồ hộp... khỏi thực đơn hàng ngày.
Có thể đổi các món từ sản phẩm ngũ cốc tinh chế như bột mì, gạo trắng, mì trứng sang các phẩm ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, lúa mạch đen, ngô... để giảm lượng carbohydrate và tăng cường chất xơ. Khẩu phần ăn giàu chất xơ từ rau, củ, quả và các loại ngũ cốc giúp giảm nguy cơ phát triển viêm loét, thúc đẩy phục hồi các thương tổn niêm mạc dạ dày. Mật ong, nghệ, gừng, dầu ô liu, trà xanh... chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng kiểm soát các gốc tự do, giảm vi khuẩn HP hoạt động và sinh sôi.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |