Trả lời:
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp (sụn) bị mài mòn. Khi tình trạng này xảy ra, xương của các khớp cọ xát vào nhau mạnh hơn, gây đau, sưng, cứng, giảm khả năng di chuyển và có thể hình thành các gai xương ở vùng đầu gối.
Người được chẩn đoán thoái hóa khớp gối, tùy theo giai đoạn bệnh, có các phương pháp điều trị phù hợp. Bạn cần tuân thủ chỉ định để ngăn bệnh tiếp tục phát triển và giảm nhẹ các triệu chứng.
Bạn nên tiếp tục chơi thể thao vì có thể giảm đau, hỗ trợ tăng cường độ linh hoạt cho các cơ xung quanh đầu gối, giúp khớp ổn định hơn và giảm chấn thương.
Khi vận động ở cường độ vừa phải, cơ thể kích thích và tăng cường sản sinh dịch bôi trơn khớp. Hơn nữa, chơi thể thao còn có thể kiểm soát cân nặng, giảm tải trọng cho khớp gối, cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, bạn cần chọn những môn thể thao phù hợp. Di chuyển liên tục, tiếp đất, bật nhảy khi chơi cầu lông làm tăng sức nặng và áp lực đè lên phần sụn khớp vốn đã bị tổn thương, khiến bệnh thêm trầm trọng. Nếu không thể từ bỏ được đam mê, bạn có thể chơi với cường độ vừa phải, dùng thêm dụng cụ hỗ trợ khớp gối khi chơi. Nếu có biểu hiện đau khớp gối khi chơi cầu lông, bạn nên dừng hẳn để tránh tổn thương thêm.
Bạn nên chọn các môn thể thao khác phù hợp với thể trạng hơn như đi bộ, bơi lội, đạp xe... Khởi động đầy đủ trước khi bắt đầu, vận động cường độ vừa phải, khoảng 15-30 phút mỗi ngày, thực hiện đúng kỹ thuật, đeo dụng cụ bảo hộ nếu cần thiết, không tập luyện khi bị sưng đau... Nếu phát hiện bất thường hoặc đau nhiều sau khi tập luyện, bạn nên đến bác sĩ khám.
ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân
Khoa Nội cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |