Trả lời:
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp (sụn) bị mài mòn. Lúc này, xương của các khớp cọ xát với nhau mạnh hơn dẫn đến đau, sưng, cứng, giảm khả năng di chuyển và đôi khi hình thành các gai xương ở vùng đầu gối. Tình trạng này chủ yếu xảy ra do lão hóa của cơ thể, khi khả năng tự chữa lành của sụn giảm dần theo thời gian. Chấn thương, thừa cân béo phì... cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Thoái hóa khớp gối không thể điều trị khỏi dứt điểm hay không thể đảo ngược quá trình thoái hóa. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị giúp giảm triệu chứng, cải thiện và kiểm soát bệnh tốt.
Ở mức độ nhẹ và vừa, bác sĩ ưu tiên điều trị bảo tồn bằng thuốc, vật lý trị liệu, cố gắng giữ lại khớp gối tự nhiên. Một số kỹ thuật nội khoa hiện đại như tiêm tế bào gốc, corticosteroid hoặc axit hyaluronic... giúp nâng cao hiệu quả, cải thiện bệnh tốt.
Nếu triệu chứng đau không giảm, khớp thoái hóa nặng, bác sĩ chỉ định phẫu thuật như nội soi khớp, cắt xương, thay khớp gối nhân tạo. Hiện, các kỹ thuật phẫu thuật và thay khớp hiện đại giúp điều trị thoái hóa khớp gối thành công cao, giảm tối đa các di chứng, biến chứng.
Trong đó, thay khớp gối gióng trục động học là kỹ thuật với nhiều ưu điểm như giúp cho khớp gối nhân tạo gần giống khớp gối tự nhiên về chức năng, độ cong của trục chân, cho phép xoay trong và xoay ngoài, giúp tăng sự linh hoạt cho khớp. Nhờ đó, người bệnh có thể khôi phục hình dáng chân và khả năng vận động nhanh chóng, cảm giác vận động chân thật hơn. Người bệnh hết đau, có thể đi lại sau 1-2 ngày phẫu thuật. Khớp gối nhân tạo còn ít hao mòn, có tuổi thọ lên đến hàng chục năm.
Để có phương án điều trị phù hợp nhất, bạn nên đưa mẹ đến bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, cơ xương khớp để được bác sĩ khám trực tiếp và điều trị hiệu quả.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học
Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |