Bà Hường, ngụ Đăk Lăk, đau khớp gối hơn 10 năm, điều trị bằng nhiều cách như uống thuốc, tiêm chất nhờn, tập vật lý trị liệu... Sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bà chỉ đi chừng 20 m là sụm chân, phải tìm chỗ ngồi nghỉ.
Ngày 5/7, ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Hường bị thoái hóa khớp gối chân trái giai đoạn cuối. Khớp gối vẹo trục khoảng 10 độ, hư toàn bộ sụn khớp, sưng đau nhiều, khó đi lại.
Theo bác sĩ Duy, tình trạng thoái hóa khớp của bà Hường diễn ra nhanh do béo phì. Người bệnh cao 1,5 m, nặng 70 kg. Trọng lượng cơ thể dư thừa làm tăng áp lực lên sụn khớp, gây nứt hoặc vỡ vụn sụn. Lượng mỡ thừa trong cơ thể cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện các gai xương ở quanh khớp, gây đau nhiều hơn khi vận động. Bà được chỉ định thay toàn bộ khớp gối trái.
Bác sĩ Duy cho biết thay khớp gối thường đau nhiều hơn phẫu thuật thay khớp ở các vị trí khác vì vùng gối nhiều thần kinh cảm giác và đường mổ khớp gối dài hơn. Giảm đau sau mổ có vai trò rất quan trọng.
Bà Hường có bệnh nền tăng huyết áp, lớp mỡ dưới da rất dày, bác sĩ áp dụng phương pháp giảm đau quanh bao khớp. Thuốc giảm đau, gây tê, kháng viêm được trộn lẫn với nhau và tiêm thẳng vào các mô xung quanh khớp gối, giúp hiệu quả giảm đau kéo dài 2-3 ngày sau mổ.
Bác sĩ rạch một đường mổ trước gối, cắt bỏ phần đầu xương đã hư, tái tạo khớp gối bằng vật liệu nhân tạo. Nhờ đó, sau phẫu thuật, các đầu xương không còn tiếp xúc trực tiếp với nhau khi di chuyển, hạn chế tối đa đau đớn cho người bệnh. Tình trạng biến dạng trục chi gây vẹo chân cũng được sửa chữa trong lúc phẫu thuật.
Ngày đầu sau mổ, bà Hường cho biết cảm giác ở gối khác biệt rõ rệt so với trước đó. Bà giảm đau đáng kể, chỉ còn đau nhẹ tại vị trí vết mổ, có thể tự đi lại với sự hỗ trợ của khung tập đi. Người bệnh được tập phục hồi chức năng sớm, giúp nhanh khôi phục khả năng vận động, ngăn ngừa các biến chứng do nằm lâu như loét tì đè, huyết khối tĩnh mạch, teo cơ... Sức khỏe cải thiện tốt, người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 4.
Bác sĩ Duy khuyến cáo người thừa cân cần giảm cân ổn định và đi khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe cơ xương khớp định kỳ để theo dõi bệnh nếu có. Dù đã mắc bệnh hay chưa, mọi người cần thực hiện lối sống khoa học, tập thể dục thường xuyên kết hợp với dinh dưỡng hợp lý. Duy trì cân nặng phù hợp để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh trong đó có bệnh xương khớp.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |