Thoái hóa khớp gối xảy ra khi bề mặt sụn khớp gối hư hỏng, không còn độ trơn bóng. Lớp sụn bị khô, nứt, dần dần giải phóng các mảnh sụn vào trong ổ khớp. Những mảnh sụn này kích thích quá trình viêm trong khớp, dẫn đến đau nhức, sưng tấy và hạn chế vận động. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, tàn phế.
ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chình hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tùy từng trường hợp cụ thể, thoái hóa khớp gối có thể được điều trị hiệu quả bằng phương pháp nội khoa bảo tồn hoặc tái tạo thay khớp nhân tạo.
Ở giai đoạn nhẹ và vừa, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hay tế bào gốc để tái tạo sụn là kỹ thuật hiện đại điều trị bệnh. Tế bào gốc sau khi tiêm vào khớp sẽ hoạt hóa và hỗ trợ các tế bào khác phục hồi, hoạt động, từ đó giúp chống viêm, giảm đau và phục hồi chức năng khớp. Phương pháp sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tế bào gốc đồng loài từ mô dây rốn đang được ứng dụng phổ biến tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Với trường hợp thoái hóa nặng, người bệnh cần phẫu thuật thay khớp nhân tạo. Bác sĩ Đình Khoa cho biết kế hoạch phẫu thuật được cá thể hóa tùy mức độ tổn thương khớp xương, nhu cầu vận động và độ tuổi. Người bệnh có thể được chỉ định thay khớp gối không xi măng, khớp Medial Pivot, khớp UC (Ultra Congruent). Đây là những loại khớp mới, có biên độ vận động cao, độ mài mòn ít, tuổi thọ cao, giảm mất xương, giảm nguy cơ trật khớp gối sau phẫu thuật.
Để thay khớp, bác sĩ rạch một đường dọc giữa gối dài khoảng 10 cm, mở khớp gối, cắt bỏ các phần hư hỏng, sau đó cắt lát, cắt tạo hình và đặt khớp nhân tạo vào.
Nhằm tăng hiệu quả điều trị, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ứng dụng các kỹ thuật thay khớp gối tiên tiến như gióng trục động học, cơ học. Sau phẫu thuật, người bệnh hết đau, có thể tự đi lại sau 1-2 ngày, thậm chí lấy lại dáng đi tự nhiên như khi chưa mắc bệnh.
PGS.TS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý phổ biến tại Việt Nam. Thoái hóa khớp có xu hướng ngày càng trẻ hóa do lối sống ít vận động, thừa cân béo phì, tiêu thụ nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe và tác động từ môi trường.
Phó giáo sư Hoa khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau, cứng, sưng khớp gối, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế, có đầy đủ thiết bị chuyên dụng hiện đại để được khám, chẩn đoán. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, điều trị hiệu quả từ đầu, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Nhiều kỹ thuật siêu âm khớp, chụp CT, MRI... hiện đại đang được ứng dụng để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, cung cấp hình ảnh chi tiết nhất về cấu trúc khớp như khớp, sụn khớp, sụn viền, sụn chêm, giúp phát hiện bệnh sớm, tối ưu hóa đánh giá, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Phi Hồng