Ngày 2/5, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tình trạng thoái hóa khớp gối ở cả hai chân người bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối. Sụn gần như tiêu biến hoàn toàn, trơ xương dưới sụn làm hai đầu xương va chạm vào nhau khi đi đứng, cứng khớp hạn chế vận động, đau nhiều.
Người bệnh được chỉ định thay khớp gối nhân tạo để giải phóng khỏi cơn đau và khôi phục khả năng vận động. Ông Hạnh muốn được thay hai khớp gối cùng lúc nhưng sức khỏe không đáp ứng, mắc nhiều bệnh nền như thiếu máu cục bộ, đái tháo đường và gout lâu năm làm thận yếu. Bác sĩ chỉ định thay khớp gối bên phải cho ông trước vì tổn thương nghiêm trọng hơn.
Trước phẫu thuật, bác sĩ sử dụng phần mềm TraumaCad phân tích hình ảnh X-quang, để đo đạc và lựa chọn loại khớp phù hợp với cơ thể ông Hạnh, chính xác đến từng mm.
Ông được thay khớp gối toàn phần. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ loại bỏ phần đầu xương đã hư và tái tạo bằng vật liệu nhân tạo để bảo vệ, tránh các đầu xương tiếp xúc trực tiếp với nhau khi di chuyển, hạn chế tối đa đau đớn cho người bệnh. Những thành phần kim loại được gắn vào xương và giữ chặt bằng một lớp xi măng y khoa mỏng. Một mảnh polyethylen được chèn vào giữa hai thành phần đùi và mâm chày, giúp khớp gối cử động nhẹ nhàng.

Bác sĩ Khoa (giữa) và ê kíp phẫu thuật thay khớp gối cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Đối với phẫu thuật thay khớp, tập luyện sớm đóng vai trò rất quan trọng, nhất là với người bệnh lớn tuổi như ông Hạnh. Tập luyện sớm giúp giảm nguy cơ hình thành huyết khối, tăng cường sức mạnh cơ vùng gối, người bệnh đi lại dễ dàng hơn, giảm nguy cơ té ngã và đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Bác sĩ chỉ định dùng phương pháp giảm đau đa mô thức, nhờ đó sau mổ, ông Hạnh ít đau và có thể sớm bắt đầu tập phục hồi chức năng.
Ngày thứ 5 sau phẫu thuật, người bệnh xuất viện, chân không còn đau, có thể tự đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ. Ở thời điểm này, khớp gối bên phải không còn đau, đi lại thoải mái, tầm vận động gấp duỗi đạt mức tối đa.
Thông thường, khớp gối thứ hai cần thay sau khớp gối đầu tiên 4-6 tháng, để khớp gối chưa qua phẫu thuật làm trụ, chịu lực tập vật lý trị liệu. "Trường hợp ông Hạnh, chân phải phục hồi tốt vượt ngoài mong đợi", bác sĩ Khoa nói. Một tháng sau, ông được thay khớp gối còn lại cũng bằng kỹ thuật và khớp nhân tạo như lần đầu.

Người bệnh và vợ chuẩn bị xuất viện sau ca phẫu thuật thứ hai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Khoa cho biết thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý rất phổ biến, không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng và làm chậm quá trình phát triển bệnh. Ở giai đoạn nhẹ và vừa, người bệnh có thể đáp ứng tốt với các biện pháp tự chăm sóc và điều trị bảo tồn như uống thuốc, tiêm thuốc, tập vật lý trị liệu... Khi biện pháp nội khoa không còn hiệu quả, cơn đau kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống, người bệnh cần can thiệp phẫu thuật.
Hiện nay, cùng với các phương pháp phẫu thuật thay khớp gối ít xâm lấn, đường mổ nhỏ, ít mất máu thì các loại khớp nhân tạo như khớp PS, khớp UC (Ultra Congruent), khớp Medial Pivot... mang đến nhiều lựa chọn điều trị cho người bệnh. Tùy vào mức độ tổn thương, chất lượng xương, độ tuổi và nhu cầu vận động, bác sĩ chọn kỹ thuật mổ, loại khớp phù hợp với từng người bệnh.
Phát hiện sớm và điều trị đúng cách giúp giảm chi phí, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm mất xương, mất ổn định khớp, tàn phế... Người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để khám nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở gối.
Phi Hồng
20h ngày 2/5, chương trình tư vấn trực tuyến "Thoái hóa khớp gối: Từ điều trị nội khoa đến tái tạo khớp - Công nghệ hiện đại, hiệu quả tối ưu" được phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tham gia gồm: TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa, Trưởng Khoa Cơ xương khớp; TS.BS Lê Văn Tuấn, Cố vấn chuyên môn - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình; ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp; BS.CKI Võ Thị Minh Nguyệt, Trưởng đơn vị Hình ảnh học Cơ xương khớp, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp. Độc giả gửi câu hỏi tại đây. |