Ngày 13/12, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tái khám sau khi thay hai khớp gối nhân tạo. Sức khỏe thể chất và tinh thần đều cải thiện đáng kể. "Chân thẳng ra, đi đứng tự nhiên, không đau nữa, tôi tự tin hơn rất nhiều", chị nói.
ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết hơn ba tháng trước, chị Dung đến khám trong tình trạng đau nhiều ở khớp gối cả hai chân, dáng đi bất thường, đi khoảng 30 m cần dừng lại nghỉ vì quá đau. Người bệnh đã điều trị nội khoa bằng nhiều cách nhưng không hiệu quả.
Bác sĩ Dương chẩn đoán chị Dung bị thoái hóa khớp gối nặng ở cả hai chân, sụn khớp mòn đi rất nhiều. Khi người bệnh di chuyển, các đầu xương ở khớp gối ma sát vào nhau gây đau. Trục chi ở hai bên khớp gối cũng đã biến dạng, vẹo trong 12 độ, làm thay đổi dáng đi. Chưa đến 50 tuổi nhưng tổn thương khớp gối của người bệnh nặng và cần thay khớp để lấy lại dáng đi tự nhiên, khôi phục khả năng vận động.
Mỗi người có kích thước và hình dáng các khớp khác nhau. Vì vậy, trước khi phẫu thuật, bác sĩ sử dụng phần mềm Traumacad chuyên dụng để phân tích và đo đạc, tìm loại có kích thước phù hợp nhất với người bệnh.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ tiếp cận vị trí thay khớp bằng đường mổ trước ngoài, giúp giảm tổn thương thần kinh, tê bì và rối loạn cảm giác. Bác sĩ không sử dụng garo (dụng cụ hạn chế lưu thông máu) trong mổ nhằm hạn chế dập cơ và hình thành huyết khối, giảm đau sau phẫu thuật.
Người bệnh được thay khớp gối nhân tạo chuyển động xoay. Bên trong khớp gối này là một lớp polyethylene, có tác dụng chống mòn và làm trơn khớp khi chuyển động. Nhờ đó, khớp gối nhân tạo có tuổi thọ cao, có khả năng xoay trong, xoay ngoài, tăng độ linh hoạt.
Chị Dung còn khá trẻ và có nhu cầu vận động cao, bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật bảo tồn xương trong phẫu thuật. "Có thể hiểu đơn giản là bao nhiêu phần xương sụn đã bị loại bỏ khi phẫu thuật được bù đắp lại bằng khớp gối nhân tạo", bác sĩ Dương nói, thêm rằng nhờ đó, khớp gối nhân tạo ổn định hơn, giúp người bệnh khôi phục dáng đi tự nhiên, hạn chế lỏng khớp gối sau một thời gian sử dụng.
Khoảng 8 tiếng sau phẫu thuật, người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng, không đau. Sau hơn hai tháng, chân phải gần như bình phục hoàn toàn, người bệnh thay tiếp khớp gối còn lại.
Tái khám sau 14 ngày phẫu thuật chân trái, người bệnh có thể gấp chân đến 120 độ, dáng chân thẳng và đi lại vững vàng.
Bác sĩ Dương lưu ý thoái hóa khớp nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng như mất xương, mất ổn định khớp, chèn ép dây thần kinh, tăng nguy cơ hình thành gai xương, u nang, gout... Hiện không chỉ người cao tuổi mà người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Người bệnh nên đến bác sĩ khám nếu phát hiện bất thường ở gối như đau, khó đi lại.
Phi Hồng