Ông Độ, ngụ Vũng Tàu, đã uống nhiều loại thuốc, nhiều lần tiêm nội khớp nhưng bệnh ngày càng nặng, thường phải ngồi xe lăn.
Ngày 11/6, ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh bị thoái hóa khớp gối giai đoạn cuối ở cả hai chân. Lớp sụn khớp gần như không còn, trục chi vẹo vào trong nặng, gây đau và cứng khớp. Khớp gối đối diện nguy cơ cao bị biến dạng nhiều hơn và mất chức năng vận động. Bác sĩ chỉ định ông Độ thay hai khớp gối, thực hiện ở chân trái trước do tổn thương nặng hơn.
Ông Độ được thay khớp gối gióng trục động học. Với phương pháp này, khớp gối nhân tạo gần giống khớp gối tự nhiên về chức năng và độ cong của trục chân, cho phép xoay trong và xoay ngoài, giúp tăng sự linh hoạt cho khớp.
Phương pháp mổ này còn bảo vệ dây chằng tối đa, không giải phóng dây chằng hay thay đổi các góc của bề mặt khớp như phương pháp cũ, theo bác sĩ Học. Nhờ đó, người bệnh nhanh chóng khôi phục hình dáng chân và khả năng vận động, cảm giác khớp gối tự nhiên giống như trước khi mắc bệnh.
Ông Độ còn được áp dụng kỹ thuật giảm đau tại chỗ và gây tê ống cơ khép. Sự kết hợp này hạn chế lượng thuốc giảm đau đưa vào cơ thể, giảm nguy cơ tổn thương gan và thận, không làm yếu cơ tứ đầu đùi. Sau mổ, người bệnh ít đau, có thể sớm tập vật lý trị liệu, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và hạn chế các biến chứng.
Chân trái phục hồi tốt nên hai tháng sau, ông được thay khớp gối chân phải. Ngày thứ ba sau phẫu thuật, người bệnh có thể tự đi lại không cần dụng cụ hỗ trợ. Tiên lượng ông có thể lấy lại dáng đi tự nhiên sau 4-8 tuần tập phục hồi chức năng.
Bác sĩ Học cho biết từng tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh cố gắng điều trị bảo tồn vì lo ngại các biến chứng khi phẫu thuật. Tuy nhiên, theo thời gian, bệnh ngày càng nghiêm trọng, gây đau nhiều và suy giảm khả năng vận động. Có trường hợp cong vẹo chân, thay đổi dáng đi như ông Độ hoặc không thể co duỗi gối, lên xuống cầu thang...
Trong phác đồ điều trị, bác sĩ ưu tiên bảo tồn, giữ lại khớp tự nhiên của người bệnh. Nếu không còn đáp ứng với phương pháp này, vẫn đau nhiều khi sinh hoạt, người bệnh nên tuân thủ chỉ định phẫu thuật của bác sĩ. "Thay khớp gối hiện là phẫu thuật thường quy, có độ an toàn cao", bác sĩ Học nói, thêm rằng sau mổ, người bệnh có thể đi lại nhanh chóng, sinh hoạt bình thường, thậm chí chơi thể thao.
Phi Hồng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |