Bệnh nhân bị đau, lỏng lẻo ở hai khớp gối từ một năm trước. Ông đã hút dịch khớp gối và phẫu thuật nội soi cắt gọt phần sụn khớp tổn thương, dùng thuốc, bệnh cải thiện không đáng kể.
Ngày 15/5, ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hai khớp gối của ông Hùng thoái hóa giai đoạn 4, sụn khớp gần như không còn nguyên vẹn, làm khớp bị cứng, đôi lúc trở nên bất động. Lượng chất lỏng hoạt dịch không đủ để giảm ma sát giữa các đầu xương khi chuyển động. Ngoài ra, tình trạng lỏng lẻo dây chằng chéo trước và chéo sau làm mất vững khớp gối.
Người bệnh còn mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Đây là tình trạng viêm màng hoạt dịch bao khớp, làm phá hủy các cấu trúc của khớp như dây chằng, sụn chêm, khớp..., thúc đẩy thoái hóa khớp và tổn thương dây chằng tiến triển nhanh.
Khớp gối bên phải tổn thương nặng hơn nên người bệnh được chỉ định thay trước. Nhờ phục hồi tốt, người bệnh tiếp tục thay khớp gối còn lại. Khớp gối bên trái thoái hóa nhẹ hơn bên phải nhưng ngoài dây chằng chéo trước và chéo sau, còn bị lỏng lẻo cả dây chằng bên trong và bên ngoài.
Bác sĩ sử dụng phần mềm TraumaCad chuyên dụng để tìm ra loại khớp phù hợp với người bệnh, đồng thời kiểm tra lại mức độ lỏng lẻo của các dây chằng. Bác sĩ áp dụng phương pháp cân bằng phần mềm, cắt xương tối thiểu để có thể sử dụng khớp gối nhân tạo thông thường. Điều này giúp bảo tồn xương, người bệnh phục hồi nhanh hơn, giảm gần một nửa chi phí điều trị.
Bác sĩ kết hợp các phương thức giảm đau trong và sau khi phẫu thuật, bao gồm gây tê tủy sống, bao khớp và ống cơ khép. Khi giảm đau hiệu quả, người bệnh có thể sớm tập vật lý trị liệu, thúc đẩy quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn và tránh nguy cơ xảy ra các biến chứng do nằm lâu như xuất hiện cục máu đông, loét tì đè...
Ông Hùng có thể tập đi lại ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Đến ngày thứ ba, người bệnh không còn đau, tự đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ, dáng đi khôi phục gần như bình thường, cảm giác khớp gối chắc chắn; có thể duỗi gần thẳng chân và gập gối đến 90 độ...
Bác sĩ Lưu khuyến cáo viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn có thể gây tổn thương nhiều khớp, từ những khớp lớn như khớp gối, khớp háng đến các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân... Khi xuất hiện tình trạng đau khớp, đặc biệt là nhiều khớp cùng lúc, người bệnh nên sớm đi khám để kịp thời điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh còn có thể tấn công các cơ quan khác như mắt, tim, phổi, thận... Sau khi thay khớp, người bệnh cần tiếp tục dùng thuốc để kiểm soát viêm khớp dạng thấp.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |