Trả lời:
Đa số các trường hợp thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật. Người bệnh có thể kết hợp giữa dùng thuốc và tập vật lý trị liệu để giảm đau, cải thiện khả năng vận động.
Thường xuyên tập vật lý trị liệu mang đến nhiều lợi ích như giảm áp lực lên dây thần kinh, giảm đau hiệu quả, xương khớp linh hoạt hơn, phục hồi sức mạnh cùng sức bền cho cơ bắp, tăng tính dẻo dai và linh hoạt cho cơ thể. Tập vật lý trị liệu còn giúp tăng cường lưu thông máu chứa oxy và dưỡng chất đến những bộ phận trong cơ thể, nhất là vị trí bị thoát đĩa đệm.
Không chỉ các bài tập vận động, tập vật lý trị liệu còn bao gồm các hình thức như sau:
Massage mô sâu giúp giảm sự co thắt, căng cơ, tăng cường chuyển động tại những vị trí bị thoát vị, nhờ đó khớp hoạt động linh hoạt hơn.
Trị liệu bằng nhiệt gồm hai loại là nhiệt nóng và nhiệt lạnh. Trị liệu nhiệt nóng có tác dụng cải thiện lưu thông máu đến các cơ quan và hệ xương khớp, giãn mạch, thư giãn cơ, giảm đau. Trong khi đó, trị liệu nhiệt lạnh hỗ trợ làm chậm quá trình lưu thông máu, giảm co thắt, giảm khả năng dẫn truyền của dây thần kinh, cải thiện tình trạng phù nề và sưng viêm.
Điện trị liệu gồm sóng ngắn, siêu âm, tia laser, kích thích xung điện... Phương pháp này hỗ trợ giảm đau do ức chế sự dẫn truyền cảm giác đau lên não, kích thích giải phóng morphin nội sinh (endorphin) ở não, giảm trương lực cơ co thắt và thư giãn cơ.
Kéo giãn giảm áp cột sống hỗ trợ cân bằng, giải phóng dây thần kinh, dây chằng và gân cơ, ngăn ngừa di chứng, phục hồi vị trí của đĩa đệm.
Nếu đã điều trị nội khoa tích cực mà bệnh không giảm hoặc có dấu hiệu tiến triển nặng, người bệnh được chỉ định phẫu thuật. Bạn nên đến khám trực tiếp để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, từ đó điều trị phù hợp.
BS.CKI Đỗ Thị Hồng Ánh
Khoa Phục hồi chức năng
Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |