Anh Hậu đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao, mất nước, khó thở, tinh hoàn bên phải sưng đau, đi tiểu buốt và có máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết bệnh nhân cao gấp 3-4 lần bình thường. Bệnh nhân tiền sử bị tiểu đường cách đây hai năm, điều trị bằng thuốc uống và tiêm insulin nhưng hay quên, không tái khám, thường uống bia rượu.
Ngày 30/11, ThS.BS Trần Đình Mạnh Long, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, cho biết bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết, nhiễm trùng nặng tinh hoàn bên phải dẫn đến nhiễm toan ceton (tích tụ nhiều chất chuyển hóa dạng ceton có tính axit trong máu). Đây là tình trạng cấp cứu xảy ra khi bệnh nhân tiểu đường thiếu hụt insulin trầm trọng. Bệnh hay đi kèm tình trạng cấp tính như nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật, nhồi máu cơ tim... Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể nhiễm trùng nặng có nguy cơ cao phải cắt tinh hoàn, hôn mê, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, tử vong.
Người bệnh được bù dịch thay thế lượng nước đã mất do đường huyết cao, truyền insulin liên tục bằng bơm tiêm tự động giúp kiểm soát đường huyết và khống chế tình trạng nhiễm toan ceton. Bác sĩ dùng thêm kháng sinh mạnh, phổ rộng để điều trị nhiễm trùng vùng tiết niệu - sinh dục.
Sau 4 ngày điều trị, đường huyết của anh Hậu ổn định, nhiễm trùng giảm, hết sưng đau tinh hoàn. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần hạn chế rượu bia, uống thuốc và tiêm insulin đúng chỉ định, tái khám thường xuyên.
Nhiễm trùng đường tiết niệu - sinh dục (gọi tắt là niệu dục) thường gặp ở người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết. Nhiễm trùng là yếu tố thuận lợi có thể khiến người bệnh nhiễm toan ceton.
Người bệnh tiểu đường có khả năng cao nhiễm trùng đường niệu dục do nhiều nguyên nhân như nồng độ đường cao trong cơ thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đường huyết cao lâu ngày gây rối loạn chức năng hệ miễn dịch, giảm hoạt động kháng khuẩn của nước tiểu, rối loạn nhu động đường niệu dục và đường tiêu hóa. Biến chứng thần kinh do tiểu đường dẫn đến rối loạn chức năng bàng quang, giảm hoạt động co bóp tống nước tiểu làm tăng thể tích cặn bàng quang trong thời gian dài.
Bác sĩ Long khuyến cáo người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, uống nhiều nước, ít nhất 1,5-2 lít mỗi ngày, giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là vùng tiểu và sinh dục, không nhịn tiểu, ăn nhiều chất xơ... để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Người bệnh tiểu đường cần tái khám đúng hẹn để bác sĩ để theo dõi và phát hiện biến chứng nếu có.
Người có triệu chứng như tiểu nhiều, tiểu buốt, nước tiểu màu giống nước trà đặc, đục, có máu hoặc mủ, nặng mùi, đau ở vùng hông lưng, vùng chậu, bộ phận sinh dục... nên đi khám sớm. Không tự ý điều trị bệnh vì dễ diễn tiến nặng, tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, khó điều trị về sau.
Đinh Tiên
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |