Tăng đường huyết do tiểu đường thường phát triển trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần với các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, khát nước nhiều, mệt mỏi, nhức đầu và mờ mắt.
Đường huyết cao liên tục có thể gây tổn thương mô, cơ quan và thần kinh, suy yếu hệ thống miễn dịch. Biến chứng ngắn hạn có thể xảy ra là mất nước, nhiễm toan ceton (tích tụ nhiều axit trong máu rất nguy hiểm). Về lâu dài, các biến chứng phổ biến gồm bệnh tim, đột quỵ, suy thận, bệnh thần kinh, bệnh về mắt, da và nướu.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, để tránh biến chứng tiểu đường type 2, người bệnh cần kiểm soát lượng đường trong máu, duy trì cân nặng khỏe mạnh và mức cholesterol tốt.
Lối sống ít vận động có thể cản trở khả năng sử dụng insulin đúng cách của cơ thể tăng nguy cơ phát triển các biến chứng. Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm lượng đường trong máu. Người bệnh nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Hoạt động thể chất thường xuyên còn duy trì cân nặng khỏe mạnh. Người thừa cân cần giảm 5-7% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện mức đường huyết. Giảm cân là cách để ngăn các biến chứng xảy ra ở người tiểu đường.
Dùng thuốc trị tiểu đường đúng liều, đủ lịch của bác sĩ để mức HbA1C (đường huyết trung bình trong ba tháng) trong phạm vi mục tiêu. Chỉ số A1C duy trì dưới 7% có thể phòng tránh các biến chứng tiểu đường.
Chế độ ăn uống cần cân bằng và lành mạnh với nhiều trái cây, rau, thịt nạc. Theo dõi lượng carbohydrate nạp vào cơ thể để giữ cân nặng khỏe mạnh và lượng đường trong máu ổn định. Nên kiểm tra mức cholesterol và huyết áp, kiểm tra đường huyết thường xuyên, ngủ 7-9 giờ mỗi đêm, không hút thuốc, uống rượu có chừng mực.
Thường xuyên kiểm tra bàn chân, tiêm vaccine, khám mắt và sức khỏe tổng thể hàng năm để kịp thời phát hiện thay đổi của cơ thể liên quan bệnh tiểu đường. Căng thẳng, mắc các bệnh khác và dùng một số thuốc điều trị cũng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Giảm stress, chăm sóc bản thân giúp hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.
Điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường thường liên quan đến kiểm soát lượng đường trong máu bằng thuốc, insulin... Với biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ chọn phương pháp phù hợp, theo dõi bệnh nhân thường xuyên.
Ví dụ, điều trị bệnh võng mạc tiểu đường thường gồm phẫu thuật laser để giảm kích thước mạch máu trong mắt và ngăn chặn tình trạng rò rỉ. Với người bệnh thận giai đoạn đầu, giảm huyết áp, cholesterol và dùng thuốc làm giảm lượng protein trong nước tiểu và cải thiện tình trạng. Bệnh thận giai đoạn cuối có thể phải lọc máu hoặc ghép thận.
Người bệnh tiểu đường nên nhận biết các dấu hiệu điều trị bệnh không hiệu quả và đến bác sĩ khám để điều chỉnh trước khi các biến chứng phát sinh. Những dấu hiệu này gồm cảm giác đói, đi tiểu nhiều hơn, mệt mỏi, mờ mắt, đau đầu.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |