Sưng hậu môn là tình trạng một hoặc cả hai bên hậu môn bị sưng, kèm theo cảm giác nóng rát. Triệu chứng này do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nhiễm trùng hậu môn. Một số trường hợp do ảnh hưởng từ những bệnh lý khác kèm theo cơn đau bụng dưới và hậu môn tiết dịch, máu hoặc mủ.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sưng hậu môn là một trong những dấu hiệu lâm sàng cho người bệnh nhận biết tình trạng sức khỏe tiêu hóa, cụ thể là ở hậu môn. Một số bệnh điển hình có dấu hiệu này như sau:
Nứt kẽ hậu môn nhiễm trùng: Đây là tình trạng xuất hiện vết xước, rách hay loét tại rìa ống hậu môn. Bệnh gây đau rát, đôi khi có chảy máu do vết loét ở vùng niêm mạc tổn thương. Nứt kẽ hậu môn nhiễm trùng có thể là do người bệnh cố rặn phân cứng, từ đó làm tổn thương niêm mạc tại rìa ống hậu môn.
Áp xe hậu môn: Người bệnh bị nhiễm trùng hậu môn kèm mủ. Các mô, dây thần kinh hậu môn rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng. Các tuyến ở hậu môn khi bị tắc nghẽn sẽ dẫn tới nhiễm trùng, lâu dần hình thành áp xe hậu môn khi nơi nhiễm trùng chuyển biến nặng, có mủ xung quanh. Người bệnh sẽ cảm nhận rõ ràng cơn đau và sưng ở vùng này.
Rò hậu môn: Đây là một dạng nhiễm trùng hậu môn nhưng có một đường hầm thông nối tuyến nhiễm trùng với những vùng da khác (quanh hậu môn và lỗ hậu môn). Tình trạng này thường là biến chứng của bệnh áp xe hậu môn. Người bị áp xe có nguy cơ rò hậu môn cao nếu không kịp thời điều trị.
Trĩ: Những tĩnh mạch trong hậu môn sưng lên, gây đau và khó chịu cho người bệnh. Bệnh là hệ lụy của tình trạng tăng áp lực trong tĩnh mạch hậu môn hoặc trực tràng. Trĩ khi có huyết khối có thể gây đau đớn, sưng tím hậu môn. Người bệnh gặp nhiều khó khăn khi vệ sinh vùng này.
Viêm ống hậu môn: Niêm mạc ở ống dẫn hậu môn bị tổn thương khiến sưng, đôi lúc có tiết dịch hoặc lẫn máu khi đại tiện.
Bệnh Crohn: Bệnh viêm ruột mạn tính này bắt nguồn là viêm hốc hoặc áp xe, tiến triển thành các ổ loét trên thành niêm mạc hậu môn. Bệnh Crohn còn ảnh hưởng tới hồi tràng và ruột kết. Người bệnh bị tiêu chảy, đau bụng, sưng hậu môn, bụng mềm.
Ung thư hậu môn: Các tế bào ung thư xuất hiện tại hậu môn. Ung thư hậu môn gây ra những triệu chứng như sưng hoặc nổi khối hậu môn, chảy máu hoặc tiết dịch từ hậu môn, đau ống hậu môn.
Điều trị và phòng ngừa
Khi thăm khám, bác sĩ xem xét các triệu chứng lâm sàng và thực hiện kiểm tra ống hậu môn của người bệnh để tìm các nốt sùi trước. Sau khi đã có đủ thông tin lâm sàng, người bệnh có thể được chỉ định soi hậu môn, soi đại tràng sigma, nội soi đại tràng và siêu âm lòng hậu môn...
![Bác sĩ Hậu khám và tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/12/13/hinh-05-3404-1670895399.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NZRbiMhEVlEIP-7Ri_wP4A)
Bác sĩ Hậu khám và tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Hậu, sưng hậu môn có thể điều trị dứt điểm, hiệu quả nhất là điều trị bệnh gốc gây sưng ở hậu môn. Tùy theo từng dấu hiệu lâm sàng và bệnh lý mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp.
Người bệnh viêm hậu môn thường được chỉ định dùng thuốc và áp dụng chế độ ăn thanh đạm. Đối với các trường hợp nứt kẽ hậu môn nếu không có da thừa hoặc u có thể điều trị bằng tiêm botulinum, nặng hơn có thể cần phẫu thuật cắt cơ thắt trong hậu môn.
Người bệnh trĩ có thể được chỉ định dùng thuốc bôi ngoài da, đốt laser, tiêm xơ, thủ thuật thắt chun, phẫu thuật lông hay doppler. Trường hợp áp xe hậu môn có thể phải phẫu thuật dẫn lưu để điều trị nhiễm trùng và mủ.
Điều trị rò hậu môn chủ yếu bằng phẫu thuật để mở hoặc thu hẹp đường hầm truyền nhiễm tại hậu môn. Tùy theo mức độ mà người mắc bệnh Crohn có thể dùng thuốc, nếu nghiêm trọng hơn cần phẫu thuật hậu môn.
Các biện pháp phòng tránh bệnh như giữ vệ sinh hậu môn và cơ thể, giữ môi trường sống sạch sẽ, áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, tình dục an toàn, kiểm tra sức khỏe định kỳ để hạn chế mắc các bệnh về hậu môn do di truyền.
Anh Đài