Phân có màu đỏ đôi khi do thức ăn nhưng nếu không phải do thức ăn có thể là máu lẫn trong phân. Phân có máu có thể do xuất huyết đường ruột, liên quan đến một vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng. Máu có màu càng sáng càng có nhiều khả năng xuất huyết đường tiêu hóa dưới như ruột kết (ruột già). Nếu máu có màu sẫm hơn có thể do chảy máu đường tiêu hóa trên như thực quản, dạ dày hoặc ruột non.
Các triệu chứng đi tiêu ra máu có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Phân có màu đỏ thường điển hình cho bệnh trĩ và vết nứt hậu môn. Ngoài ra, bạn có thể bị đau trực tràng, nhất là trong hoặc sau khi đi vệ sinh, nổi cục ở hậu môn, sưng tấy và táo bón. Dưới đây là các bệnh liên quan máu trong phân.
Bệnh trĩ
Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra máu đỏ tươi lẫn trong phân hoặc chảy máu khi đi vệ sinh (trên giấy vệ sinh). Bệnh trĩ thực chất là một dạng giãn tĩnh mạch, tức là các tĩnh mạch trong và xung quanh trực tràng, hậu môn bị sưng lên. Nguyên nhân là do áp lực vùng chậu khi mang thai hoặc tăng cân, rặn quá mạnh khi đi tiêu.
Nứt hậu môn
Đây là vết rách hoặc vết loét ở niêm mạc của ống hậu môn (phần cuối cùng của trực tràng trước hậu môn). Vết nứt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người trung niên và trẻ sơ sinh. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do táo bón hoặc sinh con.
Chảy máu túi thừa
Túi thừa là một túi nhỏ trong đại tràng phình ra từ một điểm yếu trên thành đại tràng. Bệnh túi thừa có thể gây ra phân có máu nhưng không phổ biến. Tình trạng này có thể không cần điều trị trừ khi chảy máu liên tục hoặc nghiêm trọng. Tuổi tác và di truyền có thể đóng một vai trò trong bệnh chảy máu túi thừa.
Bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là những bệnh mạn tính đường tiêu hóa mạn tính. Khi các bệnh này bùng phát có thể gây ra chứng đi ngoài ra máu. Bệnh có thể do phản ứng của hệ thống miễn dịch bị lỗi. Di truyền cũng là một yếu tố gây nên bệnh viêm ruột, dẫn đến chảy máu khi đi tiêu.
Polyp đại tràng
Một nguyên nhân ít phổ biến hơn của máu trong phân là polyp đại tràng. Polyp là khối u phát triển trên thành đại tràng hoặc trực tràng. Khối u này có thể chảy máu và dẫn đến đại tiện ra máu. Ung thư ruột kết có thể phát triển từ polyp đại tràng nhưng hiếm gặp. Dùng thuốc chống viêm không steroid, corticosteroid có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày, gây chảy máu dạ dày dẫn đến đi tiêu ra máu. Người trên 60 tuổi, nhất là dùng thuốc 14 ngày trở lên, dễ bị tình trạng trên bởi tác dụng phụ của những thuốc này.
Việc điều trị đại tiện ra máu phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, với bệnh trĩ và nứt hậu môn, tăng chất lỏng và chất xơ trong chế độ ăn uống có thể khắc phục được hai tình trạng này. Chế độ ăn lỏng có thể giữ cho phân mềm và giảm táo bón để giúp các vết nứt hoặc trĩ mau lành.
Nếu phân có máu do bệnh viêm ruột gây ra, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống và dùng thuốc chống viêm để kiểm soát tình trạng viêm. Trong số ít trường hợp, phẫu thuật được bác sĩ yêu cầu để sửa chữa hoặc loại bỏ các bộ phận của đường tiêu hóa để làm giảm các triệu chứng. Đối với polyp đại tràng hoặc ung thư là nguyên nhân gây ra đại tiện ra máu, bệnh nhân cần phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Hầu hết các trường hợp đi ngoài ra máu thường không nguy hiểm, tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Bạn cần đến bệnh viện điều trị nếu đi ngoài ra máu kèm theo mệt mỏi, sốt, nôn mửa, đau dữ dội hoặc thường xuyên có máu trong phân, máu trong phân quá nhiều.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)