Theo BS.CKII Nguyễn Quốc Thái (Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM), ung thư hậu môn xảy ra khi các tế bào ung thư xuất hiện trong các mô ở hậu môn, tích lũy và tạo thành khối u. Các tế bào ung thư này có thể xâm lấn các mô lân cận và tách khỏi khối u ban đầu, tạo ra hiện tượng di căn.
Yếu tố nguy cơ
Phần lớn các trường hợp ung thư hậu môn có liên quan mật thiết đến HPV - một loại virus lây qua đường tình dục, có thể gây ra mụn cóc trong và xung quanh hậu môn hoặc bộ phận sinh dục ở cả nam và nữ.
Một số yếu tố nguy cơ khác cũng góp phần gây ung thư hậu môn bao gồm: nhiễm HIV, quan hệ tình dục bừa bãi và giao hợp qua đường hậu môn, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch và tuổi tác.
Bác sĩ Thái dẫn một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 80% trường hợp ung thư hậu môn được chẩn đoán ở người trên 60 tuổi. Ung thư hậu môn thường phổ biến hơn ở nam giới trước 35 tuổi và nữ giới sau 50 tuổi. Theo một số thống kê, tỷ lệ mắc ung thư hậu môn ở nam giới độc thân cao gấp sáu lần so với nam giới đã lập gia đình. Khoảng 20% trường hợp mắc ung thư hậu môn mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Các trường hợp còn lại có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự như bệnh trĩ, hội chứng ruột kích thích và nhiều bệnh đường tiêu hóa khác như thay đổi thói quen đi ngoài, phân nhỏ, đi tiêu phải rặn nhiều, chảy máu hậu môn - trực tràng, đau, cảm giác nặng ở hậu môn, khối u ở hậu môn, ngứa hậu môn, chảy dịch nhầy, mủ hậu môn...
Ung thư hậu môn ít khi di căn xa trong cơ thể, nhưng một khi đã di căn thì đặc biệt khó điều trị. Gan và phổi là hai bộ phận có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi di căn của ung thư hậu môn.
Phát hiện và điều trị
Theo bác sĩ Thái, ung thư hậu môn có khả năng chữa trị cao nếu được phát hiện sớm. Do đó, người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ hoặc có triệu chứng của bệnh nên đi khám trước khi ung thư hậu môn chuyển sang giai đoạn muộn.

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp tầm soát ung thư hiệu quả. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Một số phương pháp chẩn đoán ung thư hậu môn bao gồm: kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám trực tràng, sinh thiết, siêu âm hậu môn, chụp CT, MRI... Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư mà người bệnh sẽ được thực hiện các phương pháp điều trị phù hợp, phổ biến nhất là phương pháp hóa trị và xạ trị. Khi hai phương pháp này không mang lại hiệu quả điều trị, các bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật.
"Điều trị kết hợp giữa xạ trị và hóa trị được coi là phương pháp 'tiêu chuẩn vàng' cho hầu hết các trường hợp ung thư hậu môn, mang lại tỷ lệ sống sót lâu dài 70-90% và không tái phát ung thư sau 5 năm. Một số trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu hoặc các u nhú có kích thước nhỏ có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật mà không cần điều trị thêm", bác sĩ Thái nói.
Hiện nay, biện pháp có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bao gồm điều chỉnh thói quen hoạt động tình dục, hạn chế số lượng bạn tình, sử dụng bao cao su khi quan hệ, tránh quan hệ qua đường hậu môn, kiểm tra sức khỏe định kỳ, ngừng hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá...
Đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh ung thư hậu môn do các yếu tố như tiền sử gia đình, tuổi tác... nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Điều này giúp phát hiện kịp thời các triệu chứng ở giai đoạn đầu, tránh để bệnh chuyển sang giai đoạn muộn, gây khó khăn cho quá trình điều trị cũng như làm giảm tỷ lệ sống sót của người bệnh.
Hoàng My