Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện một vài giờ đến vài tuần sau khi ăn phải thức ăn nhiễm vi khuẩn. Triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, sốt, đau cơ bắp, ớn lạnh...
Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, có nhiều loại vi khuẩn tồn tại trong thực phẩm dễ gây ngộ độc. Thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, chế biến, nấu nướng như bảo quản không đúng cách, không nấu chín kỹ, tay bẩn chạm vào thức ăn, thực phẩm quá hạn sử dụng, lây nhiễm chéo...
Salmonella
Salmonella là tên gọi chung của hơn 2.000 loại vi khuẩn khác nhau. Vi khuẩn thường có trong thịt gà, trứng, sữa, rau sống... Các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn salmonella thường là viêm dạ dày và ruột, tiêu chảy. Thời gian khởi phát bệnh thường từ 6-48h, cũng có trường hợp ủ bệnh đến đến 6 ngày sau khi người bệnh ăn thực phẩm chứa vi khuẩn.
Theo tiến sĩ Khanh, trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella cao nhất, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ nhỏ, người lớn và những người có hệ thống miễn dịch yếu là đối tượng dễ bị ngộ độc nghiêm trọng.
Escherichia coli (E. coli)
Vi khuẩn E. coli thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống... Các triệu chứng khi mắc E.coli thường là buồn nôn và nôn, tiêu chảy ra nước hoặc máu tùy vào loại E. coli. Người bệnh có thể khởi phát sau 3-4 ngày ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn và kéo dài triệu chứng từ 5-10 ngày.
Khuẩn E. coli lây nhiễm ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ, người già dễ trở nặng và gặp biến chứng nghiêm trọng như hội chứng tán huyết ure. Hội chứng này khiến các tế bào hồng cầu bị tổn thương gây suy thận.
Campylobacter
Campylobacter là tác nhân thường gặp gây viêm dạ dày và ruột. Khi ăn các loại thực phẩm có chứa campylobacter, người bệnh có thể sốt cao, viêm khớp và mắc hội chứng Guillain-Barre (yếu cơ nghiêm trọng, tiến triển). Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm này thường có trong các loại gia cầm và sản phẩm làm từ gia cầm bị ô nhiễm.
Shigella (lỵ trực trùng)
Mặc dù thịt thường là vật truyền vi trùng gây ngộ độc thực phẩm nhưng Shigella thường được truyền qua rau. Sự lây truyền liên quan đến những người xử lý thực phẩm bị nhiễm bệnh, truyền vi khuẩn từ người này sang người khác do thực hành vệ sinh kém. Ruồi có thể đóng vai trò trong việc truyền bệnh. Khi nhiễm khuẩn Shigella, người bệnh có triệu chứng đau quặn bụng, mót rặn và phân có nhiều nhầy máu.
Listeria
Listeria xâm nhập vào thực phẩm không thường xuyên nấu liên quan đến sản xuất sữa và phô mai thô chưa tiệt trùng, kem, thịt gia cầm và hải sản sống. Người bệnh nhiễm khuẩn Listeria có thể gây tiêu chảy, sốt và các vấn đề về tiêu hóa. Các triệu chứng bắt đầu trong vòng 2 tuần sau khi tiếp xúc và kéo dài 1-3 ngày. Nhiễm khuẩn Listeria nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, có thể dẫn đến thai chết lưu, sẩy thai, sinh non hoặc nhiễm trùng đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh.
Virus đường ruột
Các loại virus đường ruột như Norovirus và viêm gan virus A, E có liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Norovirus gây nôn mửa, tiêu chảy. Các triệu chứng bắt đầu từ 12-48 giờ sau khi tiếp xúc và kéo dài 1-2 ngày. Virus thường có trong hải sản, thực phẩm bảo quản không đúng cách và có hàm lượng axit thấp như đậu xanh, củ cải, ngô...
Người bị mắc virus viêm gan A, E thường từ việc xử lý thực phẩm không an toàn. Người bệnh có biểu hiện buồn nôn, khó chịu, vàng da và biến chứng nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi. Virus viêm gan A, E có thể kéo dài đến 6 tháng, nhưng thường chỉ xuất hiện các triệu chứng trong vài tuần, nếu không diễn biến nặng. Bệnh khỏi hoàn toàn không dẫn đến viêm gan virus mạn tính
Để hạn chế mắc ngộ độc thực phẩm, mọi người chú ý rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và sau khi xử lý từng loại thực phẩm khác nhau, làm sạch dụng cụ và bề mặt bếp, đảm bảo thức ăn được nấu chín kỹ, làm lạnh thức ăn thừa trong vòng 2 giờ, rã đông thực phẩm trong tủ lạnh, nấu ngay sau rã đông...
Theo Tiến sĩ Khanh, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm từ tiêu chảy nhẹ, nôn mửa và có thể nặng đe dọa tính mạng. Hầu hết những người bị ngộ độc thực phẩm đều hồi phục tại nhà sau khi nghỉ ngơi, uống nước điện giải. Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế nếu xuất hiện các triệu chứng như nôn liên tục, mất nước nghiêm trọng, sốt cao, lú lẫn, nhịp tim nhanh, tiểu ít hoặc không tiểu, mắt trũng sâu...
Những người trên 60 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền như đái tháo đường, bệnh thận, viêm ruột, bệnh van tim, có hệ thống miễn dịch yếu... nghi ngờ bị ngộ độc cần được thăm khám và có chỉ định điều trị kịp thời từ bác sĩ chuyên khoa.
Lục Bảo