Người bị ngộ độc thịt thường do ăn phải vi khuẩn Clostridium botulinum trong thực phẩm đóng hộp bị hư hỏng, móp méo, rò rỉ. Vi khuẩn gây ngộ độc thịt tạo ra độc tố botulinum. Độc tố này ngăn các dây thần kinh gửi thông điệp đến cơ tương ứng. Khi một dây thần kinh không thể gửi tín hiệu để chỉ đạo cơ bắp hoạt động, cơ bắp đó sẽ bị tê liệt.
Độc tố botulinum cũng gây tê liệt cơ mặt trước với các dấu hiệu như sụp mí mắt, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, khó nói hoặc nói lắp, nói ngọng; liệt một bên hoặc cả mặt; khó nuốt, khô miệng. Vi khuẩn có thể tạo ra một lượng lớn độc tố, lan rộng khắp cơ thể, làm tê liệt nhiều cơ cùng một lúc. Tình trạng tê liệt có thể lan từ trên xuống dưới, ảnh hưởng đến các cơ ở cổ, ngực, cánh tay và chân. Trẻ sơ sinh và trẻ em bị ngộ độc thịt có thể có hoặc không có các triệu chứng trên mà trẻ bị nhũn người và lờ đờ, khóc yếu ớt, táo bón và ăn kém.
Nếu người bệnh có các triệu chứng như trên sau khi tiêu thụ thực phẩm hoặc có thể chưa rõ nguyên nhân, cần được đưa ngay đến bệnh viện bởi độc tố botulinum gây tê liệt rất nhanh và gây tử vong cao.
Ngộ độc thịt thường do Clostridium botulinum gây ra, nhưng cũng có thể do Clostridium butyricum và Clostridium baratii. Có 4 tình trạng phổ biến liên quan đến ngộ độc thịt. Tất cả đều gây ra các triệu chứng tương tự nhau là tê liệt cơ.
Ngộ độc thực phẩm: Đây là loại ngộ độc phổ biến nhất. Độc tố botulinum có thể xâm nhập vào thực phẩm đóng hộp thông qua vết nứt, khe hoặc lỗ nhỏ trên hộp và phát triển trước khi thực phẩm được tiêu thụ. Ngay cả khi tiêu thụ một lượng nhỏ thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn này cũng có thể bị ngộ độc nghiêm trọng.
Thực phẩm có tính axit cao, được bảo quản ở nhiệt độ thấp hoặc có hàm lượng muối cao ít có khả năng nhiễm Clostridium botulinum, vì khi vi khuẩn này không phát triển trong điều kiện có tính axit cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, các loại thực phẩm đóng hộp khi được chế biến không an toàn có nguy cơ nhiễm độc botulinum cao hơn, ví dụ rau củ đóng hộp (măng tây, củ cải, bắp, đậu...), thịt đóng hộp...
Ngộ độc botulinum đường ruột: Tình trạng này xảy ra khi các bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum xâm nhập vào ruột, phát triển và tạo ra chất độc thần kinh, gây ngộ độc. Bệnh dễ gặp ở trẻ em do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh và chưa có ý thức tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, còn ở người lớn rất hiếm gặp.
Tiêm thẩm mỹ: Đôi khi độc tố botulinum (botox) được cố ý sử dụng để tiêm thẩm mỹ nhằm tạm thời ngăn ngừa sự xuất hiện của các nếp nhăn, trị chứng đau nửa đầu hoặc giảm cứng cơ. Mặc dù không phổ biến nhưng việc tiêm độc tố botulinum vì lý do y tế hay thẩm mỹ có thể gây tê liệt cử động mắt hoặc cơ mặt không mong muốn, thường là tạm thời.
Vết thương nhiễm khuẩn: Ngộ độc do vết thương nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum rất hiếm gặp. Các vết thương bị nhiễm vi khuẩn này thường là vết mổ phẫu thuật; trầy xước, vết rách và gãy xương hở làm tăng nguy cơ mắc loại nhiễm trùng này. Ngoài ra, vết thương bị nhiễm độc botulinum có liên quan đến việc tiêm chích ma túy, nhất là tiêm vào da hoặc cơ.
Xử lý và chuẩn bị thực phẩm đúng cách và an toàn là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa ngộ độc thịt. Mọi người cần kiểm tra tình trạng hộp, nhãn và hạn sử dụng trước khi mua hoặc sử dụng. Bạn nên bỏ đi hoặc không mua đồ đóng lon có dấu hiệu hư hỏng (sủi bọt, có mùi hôi...), mốc, có vết nứt, khe hở.... Nên đun sôi thực phẩm đóng hộp trong ít nhất 10 phút trước khi sử dụng, vì độc tố botulinum không bền với nhiệt.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)