Ung thư VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
Giới tính (*)

Hỏi đáp

Tôi bị ung thư đại tràng, đã phẫu thuật tháng 10/2019. Từ đó đến nay tôi vẫn đều đặn 3 tuần đi tái khám và lấy thuốc về uống. Cách nay 15 tháng phát hiện ung thư di cần xuống sườn và có dấu hiệu xâm lấn thận và da dày, có dấu hủy xương. Tôi đang vào đợt hóa trị mới được 7 toa, ...
Vũ Minh Sơn, 48 tuổi, TP. Thủ Đức, TP.HCM
BS Trần Vương Thảo Nghi

Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào anh!

Đối với ung thư đại tràng, khi bệnh có di căn đến các cơ quan khác, các thuốc hóa trị, thuốc điều trị trúng đích có thể được dùng liên tục. Bác sĩ sẽ cân nhắc thay đổi hoặc ngưng thuốc nếu bệnh không đáp ứng thuốc, bệnh tiến triển, xuất hiện tác dụng phụ không thể kiểm soát của thuốc. Do thông tin anh cung cấp chưa rõ nên bác sĩ chưa thể đưa ra lời khuyên cụ thể. Anh nên đến thăm khám trực tiếp. Bác sĩ sẽ cho anh đánh giá tình trạng di căn, khả năng đáp ứng với điều trị hiện tại, thể trạng. Từ đó bác sĩ mới có thể hội chuẩn để đưa ra phác đồ điều trị cá thể hóa và tối ưu cho anh được.

Trân trọng.

Mẹ em bị K phổi từ tháng 7 năm 2022. Mẹ em hoá không có tác dụng, giờ sử dụng thuốc đích mà tác dụng phụ rất nặng, mọc mụn ở đầu. Bác sĩ có phương pháp nào khác giúp mẹ em không ạ?
Doan Phu Vinh, 29 tuổi, Bình Phước
BS Trần Vương Thảo Nghi

Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào anh!

Khi sử dụng thuốc trúng đích trong điều trị ung thư phổi, bệnh nhân thường hay gặp phải tác dụng phụ như mẫn đỏ, sẩn da, hoặc nổi mụn. Các vị trí da dễ tổn thương là vùng đầu, mặt, cổ, lưng, bụng...

Bệnh nhân nên đến thăm khám với bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ đưa ra cách xử trí phù hợp tùy mức độ tác dụng phụ, mức độ đáp ứng thuốc trúng đích, các bệnh lý nội ngoại khoa đi kèm, cũng như thể trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trong trường hợp hết thuốc nhưng tác dụng phụ kéo dài, bác sĩ sẽ cân nhắc đổi phương pháp.

Người nhà không nên hoang mang lo lắng, tăng cường hợp tác với bác sĩ điều trị để có thể giúp bệnh nhân yên tâm hơn.

Mẹ em 70 tuổi vừa bị u vú đã phẫu thuật xong, khối u kích thước 0,7 cm. Nhưng bác sĩ không vào hóa chất cũng chẳng thấy có thuốc uống, bảo là 3 tháng sau tái khám. Em không biết có cần làm gì không? Nhờ bác sĩ hướng dẫn.

Nguyễn Tiến Dũng, 70 tuổi, Cần Thơ
ThS.BS Nguyên Tiến Sỹ

Chào anh,

Tùy theo bản chất tế bào của khối u: đối với u lành tính có thể theo dõi định kỳ. Đối với ung thư vú, bác sĩ có thể cần phối hợp nhiều phương thức điều trị khác nhau sau khi phẫu thuật. Thông tin anh cung cấp chưa đủ nên chúng tôi chưa thể tư vấn cụ thể hơn cho anh. Chẳng hạn như kết quả giải phẫu bệnh sau mổ u vú là tế bào lành hay ác tính; kết quả FNA hoặc sinh thiết lõi (Core biopsy) trước đó nếu có; các kết quả hình ảnh học đã làm trước mổ như siêu âm vú, nhũ ảnh...

Để có câu trả lời chính xác, anh nên đưa mẹ đến các bệnh viện có phòng khám ung bướu để được bác sĩ trực tiếp thăm khám. Anh cần mang tất cả các kết quả đã thực hiện, từ đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng xử trí phù hợp để giúp mẹ và gia đình an tâm hơn.

Trân trọng!

Bố em bị ung thư thực quản, ở bệnh viện tại Cần Thơ. Bác sĩ bảo cần phải phẫu thuật vì khối u khá to. Em muốn hỏi là nếu sau phẫu thuật mình có thể hoá trị để tế bào ung thư không phát triển và kéo dài thời gian sống không?

Huy, 27 tuổi, Tỉnh Trà Vinh
BS Trần Vương Thảo Nghi

Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào anh,

Đối với ung thư thực quản, ở giai đoạn còn mổ được, phẫu thuật vẫn là lựa chọn cần thực hiện. Hóa trị và/hoặc xạ trị có thể được thực hiện trước hay sau mổ, nhằm mục đích tăng cường kiểm soát tránh tái phát và di căn xa. Trình tự điều trị của hóa và/hoặc xạ trị là trước hay sau mổ sẽ tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Anh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị về việc này. Hy vọng thông tin này có thể giúp anh.

Trân trọng.

Trên mặt con có một nốt ruồi tầm 2-3 mm, xung quanh chỗ đó hay mọc mụn. Thậm chí có đôi lúc mọc mụn ngay từ chính chỗ nốt ruồi. Mỗi lần như vậy, da chỗ nốt ruồi khá ngứa, con gãi và vùng da nốt ruồi đó rớt ra và chảy máu.

Nốt ruồi hình tròn, khá đối xứng, màu nâu ...

Nguyễn Tố Bảo Thy, 19 tuổi, Bình Thuận
BS Trần Vương Thảo Nghi

Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào chị,

Chị cần được thăm khám để các bác sĩ có thể quan sát tính chất bên ngoài của nốt ruồi. Chị có thể đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Ngoại, chuyên khoa Ung Bướu hoặc chuyên khoa Da liễu. Hy vọng thông tin có thể giúp được chị.

Trân trọng.

Bệnh viện tầm soát ung thư toàn thân theo phương pháp nào, có PET/CT không?

Thuan Hoa, 23 tuổi, Quận 6, TP HCM
BS Trần Vương Thảo Nghi

Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào anh,

Việc tầm soát ung thư sẽ được dựa trên nhiều yếu tố: độ tuổi, giới tính, tiền sử bản thân, lối sống, tiền sử gia đình... Bác sĩ cần hỏi bệnh sử và khám bệnh nhân mới có thể đưa ra các xét nghiệm cần thực hiện để tầm soát ung thư. Vì vậy, nếu có điều kiện anh nên đến bệnh viện thăm khám trực tiếp, sau đó bác sĩ sẽ khuyến nghị các phương pháp tầm soát phù hợp.

Trân trọng.

Hiện tại em mới sinh con xong được một tháng và phát hiện u xơ tuyến vú kích thước 28×12 mm thì có nguy hiểm và ảnh hưởng không? Kích thước như thế có tiến triển thành ung thư không?

Nguyễn Thị Hồng Ngát, 19 tuổi, Quảng Ninh
TS.BS Vũ Hữu Khiêm

Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Tuổi của chị còn trẻ thường gặp bệnh u xơ tuyến vú. U xơ tuyến vú không ảnh hưởng, chị có thể để từ từ theo dõi và nuôi con bằng sữa mẹ bình thường. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, chị đã được chẩn đoán chính xác là u xơ tuyến vú hay chưa, vì vậy, chị nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa ung bướu để thăm khám và xét nghiệm.

Bố tôi bị ung thư gan kích thước khối u khoảng 8 cm, có xâm lấn đường mật, đã thực hiện nút mạch nhưng tình trạng tắc mật không giảm. Nhờ bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị miễn dịch, xin cảm ơn.

Nguyễn Mạnh, 37 tuổi, Hà Nội
TS.BS Trần Hải Bình

Phó Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào anh,

Theo như mô tả của anh thì khối u gan xâm lấn đường mật và gây tắc mật; bác đã được thực hiện điều trị bằng phương pháp nút mạch một lần. Hiện tại, bác sĩ cần thăm khám người bệnh để đánh giá thêm tình trạng tắc mật đang ở mức độ nào: tình trạng vàng mắt, vàng da, xét nghiệm chức năng gan, bilirubin... xem có đủ điều kiện để điều trị bằng phương pháp miễn dịch hay không.

Điều trị bằng phương pháp miễn dịch là sử dụng thuốc miễn dịch (có thể phối hợp thuốc kháng thể đơn dòng hoặc không) truyền tĩnh mạch vào cơ thể người bệnh. Đây là phương pháp điều trị mới, có hiệu quả và ít tác dụng phụ.

Trân trọng.

Em muốn hỏi phác đồ chữa bệnh ung thu tụy giai đoạn 4, xin được bác sĩ chia sẻ.

Nguyễn Thị Thanh Thúy, 52 tuổi, Quận 1, TP HCM
BS Trần Vương Thảo Nghi

Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào chị Thanh Thúy,

Ung thư giai đoạn 4 nghĩa là khối u đã có di căn đến các vị trí khác trong cơ thể. Đối với điều trị bệnh ung thư, không chỉ là điều trị căn bệnh mà là điều trị toàn diện người bệnh, bao gồm tình trạng dinh dưỡng, điều trị giảm đau, hỗ trợ tâm lý, tinh thần và các tác động gia đình - xã hội...

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, vị trí di căn, các bệnh nội ngoại khoa đi kèm... sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Điều trị bệnh ung thư tụy giai đoạn 4 mang tính chất điều trị toàn thân bằng thuốc, có thể phối hợp điều trị tại chỗ bằng xạ trị hoặc phẫu thuật nếu có chèn ép gây đau, gây tắc nghẽn.

Các thuốc được dùng cho bệnh ung thư tụy giai đoạn 4 bao gồm hóa trị; có thể kết hợp điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Tùy vào tổng trạng của bệnh nhân sẽ lựa chọn thuốc phù hợp. Chị nên đưa bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để được bác sĩ tư vấn cụ thể hơn. Trân trọng.

Con năm nay 28 tuổi. Vừa rồi đi khám tổng quát, con phát hiện một khối u trong bàng quang. Con được bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt u bang quang. Sau khi sinh thiết con nhận được kết quả là u nhú niệu mạc tiềm năng ác tính thấp. Bác sĩ điều trị nói đây là ung thư và con rất lo lắng. ...

Ngô Nam, 28 tuổi, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
BS Trần Vương Thảo Nghi

Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào Ngô Nam,

U nhú niệu mạc tiềm năng ác tính thấp được xem là tổn thương tại chỗ của niêm mạc đường tiết niệu (bao gồm niệu quản, bàng quang, niệu đạo). Các tổn thương này có tế bào không giống với tế bào bình thường, mà bắt đầu có những thay đổi bất thường ở mức độ thấp.

Phương pháp điều trị cho loại u này là phẫu thuật cắt u. Sau phẫu thuật, người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Anh nên duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia... Anh không nên quá lo lắng, vì đây thường là khối u có tiên lượng tốt. Chúc anh vui khỏe. Thân mến.

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn