Em muốn hỏi phác đồ chữa bệnh ung thu tụy giai đoạn 4, xin được bác sĩ chia sẻ.
Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào chị Thanh Thúy,
Ung thư giai đoạn 4 nghĩa là khối u đã có di căn đến các vị trí khác trong cơ thể. Đối với điều trị bệnh ung thư, không chỉ là điều trị căn bệnh mà là điều trị toàn diện người bệnh, bao gồm tình trạng dinh dưỡng, điều trị giảm đau, hỗ trợ tâm lý, tinh thần và các tác động gia đình - xã hội...
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, vị trí di căn, các bệnh nội ngoại khoa đi kèm... sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Điều trị bệnh ung thư tụy giai đoạn 4 mang tính chất điều trị toàn thân bằng thuốc, có thể phối hợp điều trị tại chỗ bằng xạ trị hoặc phẫu thuật nếu có chèn ép gây đau, gây tắc nghẽn.
Các thuốc được dùng cho bệnh ung thư tụy giai đoạn 4 bao gồm hóa trị; có thể kết hợp điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Tùy vào tổng trạng của bệnh nhân sẽ lựa chọn thuốc phù hợp. Chị nên đưa bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để được bác sĩ tư vấn cụ thể hơn. Trân trọng.
Bố tôi bị ung thư gan kích thước khối u khoảng 8 cm, có xâm lấn đường mật, đã thực hiện nút mạch nhưng tình trạng tắc mật không giảm. Nhờ bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị miễn dịch, xin cảm ơn.
Phó Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội
Chào anh,
Theo như mô tả của anh thì khối u gan xâm lấn đường mật và gây tắc mật; bác đã được thực hiện điều trị bằng phương pháp nút mạch một lần. Hiện tại, bác sĩ cần thăm khám người bệnh để đánh giá thêm tình trạng tắc mật đang ở mức độ nào: tình trạng vàng mắt, vàng da, xét nghiệm chức năng gan, bilirubin... xem có đủ điều kiện để điều trị bằng phương pháp miễn dịch hay không.
Điều trị bằng phương pháp miễn dịch là sử dụng thuốc miễn dịch (có thể phối hợp thuốc kháng thể đơn dòng hoặc không) truyền tĩnh mạch vào cơ thể người bệnh. Đây là phương pháp điều trị mới, có hiệu quả và ít tác dụng phụ.
Trân trọng.
Bệnh viện tầm soát ung thư toàn thân theo phương pháp nào, có PET/CT không?
Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào anh,
Việc tầm soát ung thư sẽ được dựa trên nhiều yếu tố: độ tuổi, giới tính, tiền sử bản thân, lối sống, tiền sử gia đình... Bác sĩ cần hỏi bệnh sử và khám bệnh nhân mới có thể đưa ra các xét nghiệm cần thực hiện để tầm soát ung thư. Vì vậy, nếu có điều kiện anh nên đến bệnh viện thăm khám trực tiếp, sau đó bác sĩ sẽ khuyến nghị các phương pháp tầm soát phù hợp.
Trân trọng.
Em khám và theo dõi ở một bệnh viện lớn tại TP HCM nhiều năm nay. bác sĩ chẩn đoán sang thương vú nhóm III, kết quả là tổn thương thể lành và bị đa nhân xơ tử cung loại 2-5-4. Bác sĩ cho em hỏi bệnh của em có nguy hiểm không và hướng điều trị như thế nào?
Xin hỏi chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày cho bệnh nhân sau điều trị ung thư đại trực tràng (giai đoạn 2b đã hóa trị 8 đợt). Hiện tại, các xét nghiệm ở thông số bình thường.
Con năm nay 28 tuổi. Vừa rồi đi khám tổng quát, con phát hiện một khối u trong bàng quang. Con được bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt u bang quang. Sau khi sinh thiết con nhận được kết quả là u nhú niệu mạc tiềm năng ác tính thấp. Bác sĩ điều trị nói đây là ung thư và con rất lo lắng. ...
Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào Ngô Nam,
U nhú niệu mạc tiềm năng ác tính thấp được xem là tổn thương tại chỗ của niêm mạc đường tiết niệu (bao gồm niệu quản, bàng quang, niệu đạo). Các tổn thương này có tế bào không giống với tế bào bình thường, mà bắt đầu có những thay đổi bất thường ở mức độ thấp.
Phương pháp điều trị cho loại u này là phẫu thuật cắt u. Sau phẫu thuật, người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Anh nên duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia... Anh không nên quá lo lắng, vì đây thường là khối u có tiên lượng tốt. Chúc anh vui khỏe. Thân mến.
Ba em đã xét nghiệm bị ung thư vú, giờ bác sĩ bảo nhập viện để lấy khối u ra thì có thể di căn lên những vùng khác không?
Mẹ em 70 tuổi vừa bị u vú đã phẫu thuật xong, khối u kích thước 0,7 cm. Nhưng bác sĩ không vào hóa chất cũng chẳng thấy có thuốc uống, bảo là 3 tháng sau tái khám. Em không biết có cần làm gì không? Nhờ bác sĩ hướng dẫn.
Bác sĩ khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội
Chào anh,
Tùy theo bản chất tế bào của khối u: đối với u lành tính có thể theo dõi định kỳ. Đối với ung thư vú, bác sĩ có thể cần phối hợp nhiều phương thức điều trị khác nhau sau khi phẫu thuật. Thông tin anh cung cấp chưa đủ nên chúng tôi chưa thể tư vấn cụ thể hơn cho anh. Chẳng hạn như kết quả giải phẫu bệnh sau mổ u vú là tế bào lành hay ác tính; kết quả FNA hoặc sinh thiết lõi (Core biopsy) trước đó nếu có; các kết quả hình ảnh học đã làm trước mổ như siêu âm vú, nhũ ảnh...
Để có câu trả lời chính xác, anh nên đưa mẹ đến các bệnh viện có phòng khám ung bướu để được bác sĩ trực tiếp thăm khám. Anh cần mang tất cả các kết quả đã thực hiện, từ đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng xử trí phù hợp để giúp mẹ và gia đình an tâm hơn.
Trân trọng!
Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn