Chủ nhật, 6/7/2025

Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
Giới tính (*)

Hỏi đáp bác sĩ

Em năm nay 23 tuổi, phát hiện bị tim bẩm sinh kênh nhĩ thất cách đây 2 năm. Bác sĩ có tư vấn em nên mổ thẩm mỹ đường dưới ngực thay vì mổ đường dọc ngực trước. Xin hỏi bác sĩ em có nên mổ thẩm mỹ không? Nếu mổ đường thẩm mỹ thì có nguy cơ gì không? Trường hợp nào nên mổ ...

Nguyễn Thị Thúy Vy, 23 tuổi, Hóc Môn

BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy

Trợ lý Giám đốc Trung tâm, Bác sĩ Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn!

Kênh nhĩ thất là một tình trạng bệnh đa dạng từ đơn giản tới phức tạp. Do đó, quyết định có thể phẫu thuật thẩm mỹ hay không sẽ cần được đánh giá thêm trước khi đưa ra câu trả lời chính xác cho bạn. Phẫu thuật tim đường thẩm mỹ cuộc mổ thường kéo dài hơn do phẫu trường nhỏ, những trường hợp khó đôi khi phải chuyển sang đường mổ dọc ngực trước, nguy cơ 2 vết mổ. Nếu kênh nhĩ thất phức tạp, cần can thiệp nhiều (đóng các lỗ thông, sửa các van tim...) thì nên mổ hở.

Để trả lời chính xác có thể mổ thẩm mỹ hay nên mổ hở, bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tim bẩm sinh để các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và tư vấn cụ thể hơn cho bạn.

Mình thay van tim 2 lá sinh học được 2 năm rồi, nay xét nghiệm máu thấy máu nhiễm mỡ. Vậy xin bác sĩ tư vấn mình cần làm gì?

Pham Thanh Ha, 49 tuổi, Pleiku

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào anh,

Anh đã từng thay van sinh học, vậy anh cần đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để xem van có hoạt động tốt không, chức năng tim có được duy trì không... Trong lần khám tim định kỳ sắp tới, anh đưa kết quả xét nghiệm máu cho bác sĩ xem. Nếu cần dùng thuốc, bác sĩ tim mạch sẽ kê toa cho anh. Ngoài ra, anh cần tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, tập thể dục đều đặn, hạn chế rượu bia... Chúc anh sức khỏe!

Tôi đã đặt 5 sten trên 3 năm, nay mới chụp CT lại thấy báo là chỉ số Calcium Score 144, các stent LAD thông tốt, các đoạn ngoài không hẹp, hẹp 50% đoạn gần giữa LCX. Các stent đoạn gần giữa RCA thông tốt, hẹp 50-60% đoạn xa RCA. Vậy tôi có cần tiếp tục đặc stent hay chỉ cần uống thuốc theo toa ...

Diệp Chí Hải, 65 tuổi, Ngã bảy Hậu Giang

ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu

Bác sĩ Trung tâm Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Hiện bạn đang quan tâm về vấn đề điều trị tiếp theo sau đặt stent mạch vành nhánh động mạch vành trái (LAD) và nhánh động mạch vành phải (RCA). Sau khi đặt stent mạch vành, bạn đã được chụp CT mạch vành, kết quả các stent thông tốt, các sang thương mạch vành khác hẹp khoảng 50-60%. Với kết quả CT mạch vành đã chụp, hiện bạn chưa có chỉ định tiếp tục đặt stent mạch vành. Tuy nhiên, việc đánh giá tình trạng bệnh của bạn không chỉ dựa vào kết quả CT mạch vành. Phải có sự đánh giá toàn diện, kết hợp giữa lâm sàng (triệu chứng đau ngực, khó thở...), cận lâm sàng (siêu âm tim, điện tim... ). Vì vậy, bạn nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên sâu để được đánh giá tình trạng sức khỏe sau đặt stent mạch vành.

Tại sao khi ngủ nằm nghiêng thì khó thở vậy bác sĩ?

Phan Thanh Bình, 60 tuổi, Thuận An, Bình Dương

ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu

Bác sĩ Trung tâm Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Có nhiều nguyên nhân gây triệu chứng khó thở khi nằm nghiêng, trong đó nổi bật là nguyên nhân tràn dịch màng phổi, thiếu máu cơ tim, suy tim, các bệnh lý về mũi xoang... Để đánh giá chính xác về vấn đề bạn đang gặp phải, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết (điện tâm đồ, X-quang ngực, siêu âm tim...), trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp cho bạn.

Mẹ tôi năm nay 70 tuổi, bà được đặt stent mạch vành cách đây 5 năm. Gần đây bà hay bị đau, đi khám bác sĩ chẩn đoán phình động mạch chủ dài hơn 4cm. Bác sĩ nói mẹ tôi cần phẫu thuật, nhưng gia đình lo mẹ lớn tuổi không chịu nổi cuộc phẫu thuật nên xin uống thuốc. Hiện tại, mẹ tôi uống ...

Nguyễn Thị Hà, 49 tuổi, Đà Lạt

TS.BS Nguyễn Anh Dũng

Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Mẹ bạn 70 tuổi, đã được đặt stent mạch vành 5 năm. Gần đây, bà bị đau ngực trở lại và được phát hiện phình động mạch chủ, kích thước 4cm (chắc là đường kính 4cm). Bạn không thông tin chi tiết khối phình dạng túi hay dạng hình thoi? Tuy nhiên, đau ngực ở người lớn tuổi đã có tiền sử đặt stent mạch vành và có phình động mạch chủ thì dù nguyên nhân đau là do hẹp mạch vành tái phát hay do khối phình động mạch chủ gây đau.

Bạn nên đưa mẹ tới bệnh viện có chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ thăm khám, chỉ định các xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây đau và có hướng can thiệp phù hợp.

Với hẹp động mạch vành, hiện tại can thiệp đặt stent hay mổ bắc cầu đều có những kỹ thuật ít xâm lấn để tái tuần hoàn cho mạch vành bị hẹp. Với phình động mạch chủ, hiện tại có kỹ thuật can thiệp đặt stent graft để bảo vệ động mạch chủ không phình lớn hơn cũng như không bị vỡ, nguy hiểm tới tính mạng. Bạn nên đưa mẹ tới bệnh viện sớm để bà được các bác sĩ thăm khám, xác định bệnh và tư vấn điều trị đúng nhất.

Cách đây 3 tháng, tôi đi khám và chụp cản quang mạch vành bị hẹp 75-80% nên được đặt stent ngay. Hiện nay sau 3 tháng, tôi vẫn thường xuyên uống Pavix, Aspirin 81 và thuốc mỡ máu Lipotatin. Hiện tại tôi vẫn rất mệt, thỉnh thoảng thấy chóng mặt thoáng qua, thở phải gắng sức như người chạy bộ nhiều, làm gì cũng thấy ...

Huỳnh Minh Trung, 57 tuổi, Hà Nội

ThS.BS Nguyễn Tuấn Long

Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào anh,

Hiện tại, chỉ định đặt stent được áp dụng khi bệnh nhân có triệu chứng và qua hình ảnh chụp mạch vành cho kết quả hẹp trên 70%. Kết quả của anh là hẹp trên 80% thì chỉ định nong và đặt stent để giải quyết vấn đề hẹp mạch vành là phù hợp. Tuy nhiên, không biết việc đặt stent này đã đặt ở hết những chỗ tổn thương chưa, hay chỉ một vài nơi và còn những tổn thương khác. Nếu tình trạng hẹp của anh chưa được giải quyết hoàn toàn thì vẫn còn có các triệu chứng khó thở, mệt ngực...

Tiếp theo là sau khi đặt stent có thể có một vài vấn đề như hẹp, tắc stent đã đặt và những triệu chứng này không được giải quyết mà vẫn còn. Cho nên để có câu trả lời chính xác, anh nên đến các trung tâm y khoa để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra tư vấn phù hợp nhất.

Còn về việc sử dụng thuốc Pavix là một điều bắt buộc, phải dùng suốt đời, sau đặt stent. Kể cả khi không có triệu chứng và khỏe mạnh thì vẫn phải tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

t
 
 

Tôi có đặt stent mạch vành được một năm, đến nay uống thuốc kháng tiều cầu đều đặn. Tôi vẫn khỏe vẫn chơi tennis, đạp xe không có biểu hiện bất thường, không tức ngực. Tôi có cần tiếp tục uống thuốc không? Và bao lâu cần chụp mạch vành kiểm tra lại? Cảm ơn bác sĩ.

Phạm Minh Mẫn, 54 tuổi, Thái Nguyên

ThS.BS Nguyễn Tuấn Long

Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào anh,

Hiện nay, theo các khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, châu Âu thì khi bệnh nhân đặt stent mạch vành xong phải duy trì sử dụng các loại thuốc kháng tiểu cầu suốt đời. Do đó trong tình huống của anh, kể cả khi trở về cuộc sống bình thường, không còn triệu chứng khó thở, sức khỏe phục hồi thì vấn đề dùng thuốc vẫn được đảm bảo, tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ.

Về chụp cắt lớp tim động mạch vành nhằm xác định xem còn tình trạng hẹp động mạch vành hay không, có chỉ định chụp khi anh có các triệu chứng gợi ý bệnh mạch vành như đau ngực dữ dội, đau ngực tăng lên, đau ngực khi gắng sức hoặc đau ngực kèm theo các triệu chứng như vã mồ hôi, đau lan lên cằm hoặc lan ra cánh tay trái. Khi có những triệu chứng đó, anh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và có chỉ định chụp mạch vành.

Nếu anh không có những triệu chứng như tôi vừa kể trên thì không nên quá lo lắng. Quan trọng là anh luôn tuân thủ chặt chẽ và nghiêm túc các đơn thuốc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

t
 
 

Em năm nay 33 tuổi, đã đặt stent 3 nhánh mạch vành vào tháng năm 2020 như sau: LAD I-II; LCx I-II; PDA. Với trường hợp đặt stent ở độ tuổi khá trẻ thì nguy cơ tái phát sau đặt stent có cao không bác sĩ? Làm thế nào để hạn chế phải đặt lại stent? Chế độ tập luyện, dinh dưỡng, khám định kỳ ...

Nguyễn Minh, 33 tuổi, Vũng Tàu

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào em,

Em đã được can thiệp đặt stent LADI-II, LCx, PDA năm 2020. Tuy nhiên, em không nói rõ khi đó mình can thiệp là do có bệnh lý động mạch vành cấp hay động mạch mạn. Nếu như có một đợt cấp, ví dụ như hội chứng động mạch vành cấp do nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực không ổn định và sau đó đặt stent thì tiên lượng bệnh có thể nặng hoặc nhẹ hơn tùy theo mức độ tổn thương cơ tim lúc đó. Ngoài ra, đặt stent xong không có nghĩa là bệnh tình của mình đã hết. Sau can thiệp cần phải theo dõi, kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến mạch vành, ví dụ như mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá.

Trường hợp của em, để tránh nguy cơ tái phát, em nên được theo dõi định kỳ, thường xuyên và đánh giá lại chức năng của cơ tim sau can thiệp mạch vành để xem stent có thông tốt hay không.

TM
 
 

Chào bác sĩ. Năm 2020, ba tôi bị nhồi máu cơ tim, đã được đặt stent ở động mạch và bác sĩ nói có hai mạch đã vôi hóa đến 60%. Xin hỏi bác sĩ, hiện ba tôi đã 70 tuổi, có nên đặt thêm stent không? Nếu không đặt thì có nguy cơ gì và đặt stent thì có biến chứng gì không? Mong ...

Lê Xuân Tiến, 51 tuổi, Đắk Lắk

ThS.BS Võ Anh Minh

Phó khoa Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào anh,

Đây là tình huống chúng tôi gặp khá nhiều. Trên thực tế, khi những bệnh nhân có nhồi máu cơ tim được đưa tới bệnh viện, bác sĩ sẽ nhanh chóng mở thông mạch vành để cứu trái tim đang bị chết do mạch máu bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, những bệnh nhân này có kèm theo những mạch máu khác cũng bị hẹp nghẽn. Câu chuyện đặt ra là chúng ta có tái thông mạch máu còn lại không hay chỉ dùng thuốc, nếu dùng thuốc thì trong tương lai liệu bệnh nhân có tắc những mạch máu đó không?

Trường hợp ba bạn đã đặt stent 2 năm, vôi hóa 60%. Không phải cứ hẹp trên 60%, 70% là phải nong đặt stent vì đây chỉ là ước lượng bằng mắt. Thậm chí, đo bằng máy cũng là chủ quan vì đôi khi, mạch máu đó hẹp nhưng lại tứa máu tốt thì không cần phải nong. Có những trường hợp hẹp 40-50% nhưng mạch có nhu cầu tứa máu lớn thì cũng phải sửa, phải nong đặt stent. Như vậy, không chỉ về mặt con số mà chúng tôi sẽ có những đánh giá không xâm lấn, ví dụ như siêu âm tim gắng sức, chạy gắng sức để xem khi bệnh nhân gắng sức thì mạch máu bị hẹp có đủ máu nuôi cho cơ tim hay không.

Ngoài ra, chúng tôi có những đánh giá xâm lấn hơn, kỹ thuật cao hơn, đó là đo lưu lượng dự trữ mạch vành qua những sợi dây đo áp lực ở đầu xa chỗ hẹp cũng như đầu gần trước chỗ hẹp; giúp đưa ra tỷ lệ, xem thử tình trạng hẹp có đảm bảo dòng chảy tối ưu cho cơ tim hay không. Trong trường hợp không đủ thì cần phải tái thông, và tùy thuộc mỗi bệnh nhân, sự tái thông này sẽ mang lại những lợi ích khác nhau.

Chúng tôi cần có thêm nhiều thông tin, hỏi thêm về triệu chứng của ba bạn, làm điện tâm đồ, siêu âm tim cũng như đánh giá lại tình trạng hẹp mạch máu thông qua chụp CT, chụp mạch vành, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp. Cảm ơn bạn.

TN
 
 

Mẹ tôi năm nay 84 tuổi, bà mắc bệnh suy thận mạn. Tháng trước bà mệt, đi khám bác sĩ chẩn đoán bị suy tim cấp, nghi ngờ hẹp động mạch vành, yêu cầu nhập viện. Lúc đầu bệnh viện tư vấn đặt stent nhưng do bà lớn tuổi nên bác sĩ báo lại không đặt được. Trường hợp mẹ tôi có thể can thiệp ...

Phan Thanh Nghị, 55 tuổi, Đồng Nai

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Trong thực hành hàng ngày, chúng tôi đã có nong những trường hợp rất lớn tuổi. Tôi từng nong cho bệnh nhân 96 tuổi, 93 tuổi... Như vậy, rõ ràng với độ tuổi 84, chúng tôi vẫn có khả năng nong được.

Bệnh lý mạch vành là quá trình thoái hóa của cơ thể. Mạch máu của chúng ta giống như một ống nước, nó sẽ hẹp dần dần từ 1, 2% đến 50, 60, 70, 90 rồi đến 100%. Với tuổi thọ trung bình của người Việt là 75 tuổi, đại đa số ở tuổi này, gần như mạch vành đã bị hẹp gần hết. Do đó ở tuổi 84, chúng ta có thể suy đoán rằng mạch vành đã hẹp gần hết rồi. Nếu triệu chứng xuất hiện có suy tim thì đó là biểu hiện của tình trạng bệnh lý mạch vành bị nghẹt. Khi mạch máu nuôi tim bị nghẹt thì cơ tim không được cung cấp máu, dẫn đến suy. Nếu bị suy mà chúng ta có điều kiện nong mạch vành thì đầu tiên phải chụp mạch vành trước.

Chụp mạch vành rất an toàn, tỷ lệ biến chứng gần như 0%, với một lượng thuốc cản quang rất ít (8-10ml), rất an toàn đối với người bệnh thận, người suy tim nặng. Sau khi có hình ảnh chụp mạch vành chẩn đoán xong, chúng tôi mới cân nhắc nong hay mổ, nong trên nhánh nào, mổ trên nhánh nào. Tất cả những chuyện này sẽ được hội đồng y khoa cân nhắc kỹ lưỡng về mặt lợi và hại, từ đó tiến hành những thủ thuật cần thiết.

Tm
 
 

Cách đây 4-5 năm tôi đã đặt 2 stent, một cái tự tiêu, một cái loại tốt nhất nhưng không tự tiêu. Từ đó đến nay vẫn uống chống đông máu, mỡ máu và thuốc huyết áp. Hiện tại, huyết áp của tôi chỉ loanh quanh 120 trong khi tôi đã 60 tuổi. Huyết áp vậy có bình thường không. Nếu không tôi cần phải ...

Đức Bùi, 59 tuổi, Q8, HCM

ThS.BS Võ Anh Minh

Phó khoa Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào anh,

Mức huyết áp của anh cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, còn những mục tiêu khác như mức đường huyết, mỡ máu... cũng cần được theo dõi và điều chỉnh thuốc để đạt được mục tiêu tối ưu. Còn vấn đề liên quan tới stent thì tùy thuộc mỗi bệnh nhân, các bất thường liên quan đến triệu chứng, dấu chứng lúc khám bệnh cũng như thay đổi điện tim đồ và siêu âm tim thông thường..., bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc hoặc chỉ định đánh giá chuyên sâu, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Chúc anh sức khỏe! Thân mến!

Tôi 53 tuổi, bị hẹp mạch vành đã đặt một stent nhánh trái năm 2010 tại bệnh viện Chợ Rẫy. Cách đây 2 tháng, tôi đi chụp lại mạch vành và bác sĩ cho biết nhánh phải đang bị hẹp 90%. Tuy nhiên, các chỉ số sinh hoá đều bình thường.
Một số bác sĩ khuyến cáo tôi nên đặt stent thứ 2. Một số ...

anhquocdalat69, 53 tuổi, Bình Trưng Tây, Thủ Đức

ThS.BS Võ Anh Minh

Phó khoa Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào anh,

Trường hợp của anh được bác sĩ chỉ định chụp mạch vành lại, nghĩa là có manh mối bất thường nghi ngờ tình trạng thiếu máu cơ tim. Kết quả cho thấy hẹp 90% là hẹp rất nhiều. Tuy nhiên, để đưa ra tư vấn có cần đặt stent tái thông mạch máu hay không, chúng tôi phải đánh giá chi tiết về bệnh cảnh lâm sàng, chức năng thận và huyết học liên quan, đồng thời trả lời câu hỏi vị trí hẹp có phải là nơi sau tái thông mang lại lợi ích nhiều và ít rủi ro không?

Chúng tôi khuyên anh nên đến bệnh viện thăm khám để được tư vấn rõ hơn về tình trạng của mình.

Xin bác sĩ giải đáp giúp một số câu hỏi sau:
Với bệnh nhân đặt stent mạch vành thì ngoài giải pháp xâm lấn còn có cách nào chẩn đoán chính xác tình trạng mạch vành sau thủ thuật không? Ngoài việc uống thuốc, tập thể dục, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh thì bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim có nên ...

truongbao278, 35 tuổi, Quận 7, HCM

ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu

Bác sĩ Trung tâm Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Với bệnh nhân đặt stent mạch vành, ngoài giải pháp xâm lấn còn có các biện pháp không xâm lấn để chẩn đoán như: triệu chứng lâm sàng, đo điện tim, siêu âm tim... Việc tuân thủ điều trị, thực hiện lối sống lành mạnh là rất quan trọng để phòng ngừa bệnh tái phát.

Để đánh giá vấn đề tái phát bệnh, tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng (đau ngực tái phát, khó thở, mệt...) và cận lâm sàng (xét nghiệm máu, điện tim, siêu âm tim...), bác sĩ mới có thể kết luận được. Không thể loại trừ nguy cơ tắc mạch ở các vị trí khác khi bạn đã bị tắc mạch ở tim. Do đó, bạn nên đi khám ở cơ sở y tế chuyên sâu để được đánh giá toàn diện về tình trạng sức khỏe của mình.

Em bị nhồi máu, đặt stent được 4 tháng, uống thuốc đều theo toa bác sĩ, sau 3 tháng có siêu âm lại, EF 64%. Khoảng một tháng trở lại đây, em có hiện tượng tim bỏ nhịp, ban đầu thỉnh thoảng nhói 1-2 lần (khi ngồi làm việc) sau đó bình thường, không mệt không đau. Ba ngày trở lại đây hiện tượng tăng ...

Hoàng Hà, 35 tuổi, Gò Vấp, HCM

ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu

Bác sĩ Trung tâm Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Sau khi đặt stent mạch vành, việc tuân thủ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh là rất quan trọng trong việc phòng ngừa tái hẹp. Những triệu chứng như bạn mô tả có thể là nguyên nhân của rối loạn nhịp tim. Do đó, để đánh giá tình trạng hiện tại một cách chính xác nhất, bạn nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên sâu về tim mạch.

Tôi đã đặt 2 stent cách đây 3 năm. Xin hỏi bác sĩ bao lâu tôi cần đi kiểm tra lại tình trạng stent là phù hợp và nên lưu ý gì? Cám ơn bác sĩ.

Khang Anh, 71 tuổi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa

ThS.BS Võ Anh Minh

Phó khoa Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bác!

Trường hợp của bác đã đặt 2 stent cách đây 3 năm thì vẫn cần tái khám định kỳ tại phòng khám tim mạch. Bác sĩ sẽ theo dõi, đánh giá về triệu chứng đau ngực/khó thở và các triệu chứng khác, đồng thời tiến hành đo điện tim đồ, siêu âm tim định kỳ cũng như làm xét nghiệm máu để theo dõi các vấn đề liên quan tới mức đường huyết, mỡ máu, chức năng thận... Nếu phát hiện manh mối bất thường sẽ làm thêm các cận lâm sàng như siêu âm gắng sức xe đạp, chụp MSCT động mạch vành hoặc chụp mạch vành.

Tùy mỗi tình huống, bác sĩ sẽ chọn phương phức đánh giá khác nhau. Chúng tôi cần có nhiều thông tin hơn qua thăm khám và đánh giá cận lâm sàng để tư vấn chi tiết hơn cho bác.

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn