Website của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay đăng trang trọng trên trang nhất bài viết và bức ảnh Chủ tịch Kim Jong-un chụp cùng các nhân viên đại sứ quán ở Hà Nội. Thông tin được đăng chưa đầy một ngày sau khi ông Kim tới thăm đại sứ quán Triều Tiên trên phố Cao Bá Quát.
Thông tin chi tiết về lịch trình ngày làm việc đầu tiên tại Hà Nội của ông Kim Jong-un, bao gồm cuộc họp với quan chức phụ trách đàm phán với Mỹ trước hội nghị thượng đỉnh, cũng xuất hiện rộng rãi trên các tờ báo nhà nước Triều Tiên. Truyền thông nước này thậm chí còn thông báo lịch trình sắp tới của Chủ tịch Kim cũng như chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đặc biệt dành toàn bộ trang nhất để đưa tin về chuyến đi của ông cùng loạt bài báo, hình ảnh về hoạt động của Chủ tịch Kim tại Hà Nội cũng như những phản ứng từ Hà Nội và Bình Nhưỡng.
Trước đó, truyền thông Triều Tiên đưa tin về chuyến đi tới Việt Nam của Chủ tịch Kim chỉ một ngày sau khi đoàn tàu rời Bình Nhưỡng chiều 23/2. Đây được coi là động thái bất thường khi Bình Nhưỡng trước đây thường không đưa tin về các chuyến công du và lộ trình của lãnh đạo vì lý do an toàn.
Cách xử lý thông tin của truyền thông Triều Tiên về hoạt động ở Việt Nam lần này của Chủ tịch Kim Jong-un cũng có sự khác biệt rõ rệt. Trước đây, họ thường đưa tin ngắn gọn trong các chuyến đi như vậy và chỉ cung cấp chi tiết sau khi lãnh đạo đã về nước.
"Triều Tiên dường như đang nỗ lực thể hiện họ là một quốc gia bình thường thông qua cách đưa tin như vậy của truyền thông", Yang Moo-jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc nhận định. "Điều này có thể nhằm mục đích cho thế giới thấy rằng sự thay đổi đang bắt đầu từ truyền thông của họ".
Chủ tịch Kim Jong-un dường như thể hiện một chiến thuật khác trên truyền thông từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011, và sự thay đổi đã được chứng minh rõ ràng từ năm ngoái khi ông thúc đẩy chính sách ngoại giao của mình.
Truyền thông Triều Tiên đưa tin tương đối nhanh chóng về chuyến đi Singapore dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu của ông Kim vào tháng 6 năm ngoái, sau khi máy bay hạ cánh xuống Singapore khoảng 7 giờ. Gần đây nhất, truyền thông Triều Tiên thông tin về chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim hồi năm ngoái ngay sau khi chuyến tàu chở ông tới ga Bắc Kinh.
Dù Washington thông báo về hội nghị thượng đỉnh lần hai với Bình Nhưỡng trong nhiều tuần qua, truyền thông Triều Tiên vẫn giữ im lặng. Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch Kim khởi hành, truyền thông Triều Tiên đưa tin nhanh chóng và rộng rãi.
Lim Eul-chul, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, Hàn Quốc nói rằng có vẻ như truyền thông đang "xây dựng hình ảnh" không chỉ với cộng đồng quốc tế mà cả trong nước.
"Chủ tịch Kim dường như đang cố gắng chia sẻ với người dân các hoạt động ngoại giao của ông càng nhiều càng tốt, một động thái có thể được coi là nỗ lực để thu hút dư luận trong nước", Lim nói. "Những thay đổi trong cách đưa tin của truyền thông có thể xuất phát từ nhu cầu đồng lòng với người dân hướng tới một quốc gia bình thường".
Ông nói rằng việc truyền thông Triều Tiên đưa tin nhanh chóng về chuyến đi Việt Nam của Kim cũng có thể là một tín hiệu về sự tự tin của đất nước hoặc ít nhất là những kỳ vọng cao về kết quả những cuộc đàm phán sắp tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Đó có thể được coi là sự tự tin của Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh với Mỹ", Lim nói. "Họ sẽ không đưa những thông tin có thể khiến người dân thất vọng nếu họ không tin tưởng vào kết quả".