Thứ ba, 26/2/2019, 12:06 (GMT+7)

Tàu bọc thép - phương tiện công du yêu thích của lãnh đạo Triều Tiên

Ông Kim Jong-un đi tàu đến Việt Nam, theo chân ông nội và bố mình, những người từng nhiều lần đến Nga và Trung Quốc bằng đường sắt.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuống ga Đồng Đăng, Lạng Sơn sáng 26/2. Ảnh: Giang Huy.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuống ga Đồng Đăng, Lạng Sơn sáng 26/2. Ảnh: Giang Huy.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sáng nay đi tàu đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn rồi di chuyển bằng ôtô về Hà Nội để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Trump dự kiến diễn ra ngày 27-28/2 và thăm chính thức hữu nghị Việt Nam. Đoàn tàu chở ông đã vượt hành trình hơn 4.500 km từ Bình Nhưỡng, qua Trung Quốc để đến Việt Nam.

Tàu hỏa từ lâu đã là phương tiện di chuyển ưa thích của các lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong-un, từng sử dụng một đoàn tàu làm sở chỉ huy di động trong Chiến tranh Triều Tiên và ông vẫn thích đi tàu sau khi đình chiến.

Năm 1949, ông Kim Nhật Thành đi tàu đến Moskva để gặp lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin thảo luận về quân đội và kinh tế Triều Tiên. Ông Stalin hỏi phái đoàn Triều Tiên có bị ốm khi thực hiện hành trình dài hay không và ông Kim Nhật Thành đáp rằng mọi người đều khỏe.

Ông Kim Nhật Thành trở lại thăm Moskva năm 1961 để gặp Tổng bí thư Nikita Khrushchev và hai nước đã ký một hiệp ước phòng thủ chung.

Hành trình tàu dài nhất của ông Kim Nhật Thành là vào năm 1984, khi ông đến thăm Liên Xô và các nước Đông Âu khác gồm Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư, Bulgaria và Romania.

Ông Kim Nhật Thành cũng từng đi tàu khi thực hiện hành trình đến Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên tháng 11/1958. Theo Global Times, ông đi tàu qua Trung Quốc, thăm Bắc Kinh, Vũ Hán và Quảng Châu sau đó đến Hà Nội trên một chiếc máy bay đặc biệt do Trung Quốc cung cấp.

Trong chuyến thăm kéo dài từ 27/11 đến 3/12/1958, ông Kim Nhật Thành đã hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Hợp tác xã Việt - Triều hữu nghị ở Tây Hồ, nhà máy dệt Nam Định, trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây và bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Sau khi rời Việt Nam, ông tiếp tục thăm Thượng Hải, Vũ Hán và một số địa điểm khác của Trung Quốc.

Năm 1990, ông Kim Nhật Thành trở lại Trung Quốc để thảo luận về mối quan hệ ấm lên với Hàn Quốc với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Cửa ngõ đường sắt Trung - Triều là qua cầu hữu nghị trên sông Áp Lục nối Sinuiju, Triều Tiên với Đan Đông, Trung Quốc. Huyện Rajin, Triều Tiên có tuyến đường sắt kết nối với hệ thống của Nga qua cây cầu trên sông Đồ Môn ở biên giới Nga - Triều.

Ông Kim Jong-il, bố của ông Kim Jong-un từng được ông Kim Nhật Thành đưa đi cùng trên một chuyến bay tới Indonesia để dự hội nghị các nước châu Á và châu Phi năm 1965. Tuy nhiên, ông sợ đi máy bay nên sau này chỉ thực hiện các chuyến công du Trung Quốc và Nga bằng tàu bọc thép.

Ông đi tàu tới Nga năm 2001 với hành trình kéo dài ba tuần. Konstantin Pulikovsky, quan chức Nga ngồi trên tàu cùng ông, kể rằng tôm hùm tươi và rượu Pháp được phục vụ trên tàu.

Năm 2011, ông đến Trung Quốc, thực hiện hành trình dài 6.000 km tới Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải và những địa điểm khác.

Cũng vào năm này, ông thực hiện chuyến đi thứ hai tới Moskva, gặp Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev tại thành phố Ulan-Ude của Siberia. Cư dân sống gần ga xe lửa Bureya được yêu cầu ở trong nhà và không nhìn ra ngoài cửa sổ khi tàu của ông đến.

Ông Kim Jong-il tại biên giới Triều Tiên - Nga năm 2001. Ảnh: Tass.

Ông Kim Jong-il tại biên giới Triều Tiên - Nga năm 2001. Ảnh: Tass.

Báo Chosun Ilbo năm 2009 dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc và Mỹ nói rằng Kim Jong-il có 6 đoàn tàu riêng. Tàu có phòng họp và phòng ngủ, điện thoại vệ tinh và TV được lắp đặt để ông nhận được báo cáo của cấp dưới và có thể ra lệnh trong khi di chuyển.

Để đảm bảo an ninh, tàu chở ông Kim Jong-il thường đi giữa hai đoàn khác với tốc độ không quá 60 km/h. Tàu đi đầu có nhiệm vụ kiểm tra độ an toàn của tuyến đường sắt và tàu đi cuối chở các nhân viên an ninh.

Toa tàu Kim Nhật Thành và Kim Jong-il từng sử dụng cho chuyến đi hiện được trưng bày trong lăng Kumsusan ở Bình Nhưỡng. Có một máy tính Macintosh (máy tính của công ty Apple được sản xuất từ năm 1984) trên bàn của ông Kim Jong-il.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mời các quan chức Trung Quốc lên tàu tháng 3/2018. Ảnh: KCNA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mời các quan chức Trung Quốc lên tàu tháng 3/2018. Ảnh: KCNA.

Ông Kim Jong-un cũng đã từng hai lần đến Trung Quốc bằng tàu. Tháng 3/2018, Trung Quốc và Triều Tiên đều không công bố trước về chuyến thăm nhưng các dấu hiệu như những bức ảnh cho thấy đoàn tàu màu xanh có vệt màu vàng ở Trung Quốc, an ninh thắt chặt ở biên giới và Bắc Kinh đã làm dấy lên nhiều đồn đoán. Đến khi ông Kim kết thúc chuyến thăm, Bắc Kinh mới xác nhận việc này.

Tháng trước, ông Kim Jong-un cũng đi tàu đến Bắc Kinh. Hình ảnh bên trong tàu cho thấy toa tàu được sơn màu trắng, có rèm màu kem và ghế salon màu hồng.

Báo Hàn Yonhap cho rằng quyết định đi tàu đến Việt Nam của ông Kim Jong-un có thể do ảnh hưởng từ chuyến đi của ông nội mình. "Kể từ khi nắm quyền cuối năm 2011, ông Kim Jong-un đã tìm cách học theo hình ảnh và phong cách lãnh đạo của ông nội", tờ này viết.

Xem thêm:

Lý do Chủ tịch Kim Jong-un chọn đi tàu 60 tiếng đến Việt Nam

Bên trong đoàn tàu chở Chủ tịch Kim Jong-un công du 

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email