Lượng đường trong máu thường thay đổi tự nhiên trong ngày, có thể tăng lên ngay sau bữa ăn và giảm xuống sau hoạt động thể chất hoặc nhịn ăn. Hầu hết mọi người không cảm thấy có tác động tiêu cực từ sự chuyển động tăng giảm tự nhiên của đường huyết.
Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) nhẹ, người bệnh thường có các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi, run chân tay, cảm giác lo lắng và mệt mỏi... Lúc này, người bệnh vẫn có ý thức và có thể tự cải thiện. Nhưng khi bị sốc tiểu đường (lượng đường trong máu xuống thấp nghiêm trọng, dưới 40 mg/dL), người bệnh có thể mất ý thức, khó nói hoặc nói lắp, nhìn mờ, mơ hồ, đi lại khó khăn, co giật... Sốc tiểu đường quá lâu mà không kịp điều trị có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí gây tử vong.
Nếu có các dấu hiệu bị hạ đường huyết, người tiểu đường nên nhanh chóng điều trị, tránh dẫn đến sốc tiểu đường. Lượng đường trong máu quá thấp ảnh hưởng đến hoạt động của não, có thể khiến người bệnh tiến triển nhanh đến co giật và mất ý thức. Điều này tác động đến chuyển động và khả năng nhận thức rõ ràng, dễ gây ra tai nạn, nhất là trong trường hợp người bệnh đang lái xe hoặc làm việc.
Dùng nhiều insulin là nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ đường huyết và nghiêm trọng hơn là sốc tiểu đường. Một số loại thuốc điều trị tiểu đường như amaryl, glyburide và glipizide (hoạt động bằng cách kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn) cũng có thể dẫn đến lượng đường trong máu hạ thấp.
Các yếu tố khác làm người bệnh tăng nguy cơ hạ đường huyết và có thể dẫn đến tình trạng sốc tiểu đường như: dùng thuốc tiểu đường không đúng liều lượng, bỏ bữa hoặc nhịn ăn, ăn không đủ no, uống rượu, tăng mức độ vận động nhưng không điều chỉnh lượng thức ăn và thuốc. Người tiểu đường phát triển bệnh thận hoặc các vấn đề về tuyến thượng thận, người mắc tiểu đường lâu năm hoặc tuổi cao cũng có nguy cơ gặp tình trạng sốc tiểu đường.
Điều trị và phòng ngừa
Khi bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu của hạ đường huyết, người bệnh nên kiểm tra đường huyết trước. Nếu ở mức độ thấp (dưới 70 mg/dl), bạn dùng đồ ăn nhẹ có đường hoặc đồ uống có chứa 15 g carbohydrate, kiểm tra lại sau khoảng 15 phút. Nếu mức đường huyết vẫn còn thấp, lặp lại cách làm như trên cho đến khi đường huyết an toàn trở lại (từ 70-140 mg/dL).
Với người có nguy cơ bị sốc tiểu đường, bác sĩ có thể kê đơn hormone glucagon để tránh rủi ro. Glucagon cũng được dùng trong trường hợp khẩn cấp giúp lượng đường trong máu trở lại bình thường. Nếu người bị hạ đường huyết bất tỉnh, người nhà xoay bệnh nhân nằm nghiêng và tiêm glucagon. Trong vòng 15 phút, bệnh nhân không tỉnh lại, cần đưa đi cấp cứu. Khi điều trị hạ đường huyết, không dùng nhiều glucose hơn mức cần thiết, vì có thể khiến lượng đường trong máu tăng trở lại quá cao.
Người tiểu đường có thể thực hiện một số mẹo để tránh bị hạ đường huyết và sốc tiểu đường như: theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu, không bỏ bữa, uống thuốc theo chỉ định, đúng giờ và đúng liều lượng, ăn trước khi uống rượu (nếu có). Bạn nên điều chỉnh thuốc và lượng calo khi tăng mức độ hoạt động thể chất. Sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục với tính năng cảnh báo lượng đường trong máu thấp giúp tránh các đợt hạ đường huyết thường xuyên.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)